Phình động mạch chủ có nhiều biến chứng nguy hiểm, gây tử vong trong tích tắc. Điều đáng lo là phình động mạch chủ thường không có biểu hiện triệu chứng, nên bệnh nhân khó nhận biết để đến bệnh viện xử lý kịp thời.
Y, bác sĩ Bệnh viên Đa khoa TP Cần Thơ đang phẫu thuật 1 trường hợp phình động mạch chủ bụng. Ảnh: T.L |
Động mạch chủ là nguồn cung cấp máu chính cho toàn bộ cơ thể. Phình động mạch chủ là tình trạng động mạch chủ bị phình to so với bình thường, thường xuất hiện ở bụng và ngực. Phình động mạch chủ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân. Những biến chứng có thể gặp gồm: tắc mạch do túi phình động mạch tạo vòng xoáy hình thành cục huyết khối và trôi đi gây tắc mạch (nguy hiểm nhất là tắc mạch máu não...); biến chứng phình bóc tách có thể gây vỡ động mạch gây tử vong trong vài phút. Có từ 65%-75% bệnh nhân phình động mạch bóc tách vỡ tử vong trước khi vào viện, khoảng 90% bệnh nhân phình động mạch bóc tách vỡ tử vong trước khi lên bàn phẫu thuật. Tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ mỗi tháng tiếp nhận khoảng 2-3 trường hợp phình động mạch chủ. Trong đó, có khoảng 50% bệnh nhân đã bị vỡ động mạch, tử vong sau vài giờ hồi sức.
Các yếu tố có liên quan đến phình động mạch chủ gồm: hút thuốc lá nhiều, di truyền, xơ vữa mạch máu, tiền sử có chấn thương... Phình động mạch thường gặp ở người lớn tuổi, trên 65 tuổi, tỷ lệ mắc phải ở nam lớn hơn nữ. Những bệnh nhân bị phình động mạch chưa xảy ra biến chứng thường không có biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân thường được phát hiện là do tình cờ siêu âm hay chụp CT scan ngực, bụng vì một bệnh lý nào đó hoặc có khối u ở bụng. Khi bệnh nhân đã có biến chứng thì biểu hiện triệu chứng của tắc mạch tùy thuộc vào cơ quan mà nó gây tắc (ví dụ: tắc mạch máu não, tắc mạch chi...). Riêng biến chứng phình bóc tách chưa vỡ thì bệnh nhân cảm thấy đau ngay chỗ bóc tách, có thể choáng vì tụt huyết áp. Trường hợp biến chứng phình bóc tách gây vỡ động mạch chủ thì bệnh nhân bị sốc mất máu có thể tử vong trong vài phút.
Việc điều trị phình động mạch chủ gặp nhiều khó khăn và tùy thuộc vào đường kính túi phình và có biến chứng bóc tách hay không. Trong trường hợp phình không bóc tách mà đường kính túi phình khoảng 4cm - 5cm thì bệnh nhân cần được theo dõi tình trạng sức khỏe và phải bỏ yếu tố nguy cơ (hút thuốc). Nếu đường kính túi phình trên 5cm mà tiên lượng tuổi thọ bệnh nhân có thể sống sau đó trên 10 năm thì được chỉ định phẫu thuật. Nếu bệnh nhân quá lớn tuổi thường chọn giải pháp là theo dõi và điều trị các yếu tố nguy cơ. Bệnh nhân phình động mạch có biến chứng bóc tách buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật. Trường hợp phình động mạch vỡ cần được hồi sức và phẫu thuật kịp thời mới thoát khỏi tử vong.
Trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được cắt bỏ túi phình và thay bằng 1 ống ghép nhân tạo. Việc phẫu thuật rất phức tạp vì trên mỗi đoạn của động mạch chủ có những nhánh mạch máu giữ nhiệm vụ cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng như: não, thận... Do vậy, việc thao tác trên những đoạn động mạch này để cắt túi phình và thay bằng ống ghép sẽ gây thiếu máu nuôi các cơ quan mà đoạn đó phụ trách phân phối, đặc biệt là não, thận. Các cơ quan này thiếu máu nuôi từ 5-10 phút sẽ chết. Vì vậy, cần phải có những dụng cụ chuyên biệt để bắt cầu cho máu đến nuôi những cơ quan này trước khi tiến hành phẫu thuật. Đối với trường hợp đoạn phình nằm dưới thận thì việc phẫu thuật tương đối dễ hơn. Việc gây mê và điều khiển huyết áp bệnh nhân trong lúc phẫu thuật và sau phẫu thuật cũng hết sức phức tạp và phải có sự phối hợp nhịp nhàng theo yêu cầu của bác sĩ phẫu thuật.
BS PHẠM VĂN PHƯƠNG (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)