Nhiều bệnh nhân ung thư do kém hiểu biết đã nhịn ăn, ăn gạo lứt muối vừng... với hy vọng bỏ đói khối u, khối u sẽ chậm phát triển hoặc chết. Đây là cách làm phản khoa học. Bệnh nhân sẽ chết do suy kiệt trước khi chết vì căn bệnh ung thư.
30% bệnh nhân ung thư tử vong là do suy kiệt
Một thực tế nguy hiểm và phản khoa học rất phổ biến là nhiều bệnh nhân ung thư làm theo tin đồn thổi là bị ung thư thì không được ăn các chất bổ dưỡng, thậm chí, nhiều trường hợp cực đoan nhịn ăn, ăn kham khổ gạo lứt muối mè, uống nước lã... để bỏ đói khối u với hy vọng khối u tiêu đi hoặc không phát triển. Đây là suy nghĩ hết sức không khoa học và đi ngược lại với kiến thức y học tiên tiến. Khi dinh dưỡng kém, sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, càng làm cho tế bào ung thư phát triển mạnh hơn. Vì thế, nếu “đói” thì bệnh nhân sẽ chết vì suy kiệt trước khi chết do bệnh ung thư.
Các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... càng tác động mạnh đến cơ thể, sức khỏe người bệnh và đòi hỏi phải có thể trạng tốt để đáp ứng được điều trị. Đặc biệt, đối với hóa chất và xạ trị thông thường khiến bệnh nhân không ăn uống được, nôn, rối loạn tiêu hóa nên dễ dẫn đến sụt cân, suy kiệt... Thực tế cho thấy, 50-90% bệnh nhân ung thư sụt cân, trên 90% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có suy kiệt. Giảm cân không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà chỉ cần sụt cân trên 5% trọng lượng cơ thể sẽ gây giảm đáp ứng điều trị, làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của hóa chất, xạ trị, không đủ sức khỏe để tiếp tục điều trị.... Đặc biệt, càng sụt cân, người bệnh càng mệt mỏi, chán ăn, giảm hoạt động của các cơ quan chức năng như tim, phổi, tiêu hóa, thiếu máu, nguy cơ nhiễm trùng cao, tăng nguy cơ di căn xương. Đây là nguyên nhân khiến 20-30% bệnh nhân ung thư tử vong do suy kiệt, trước khi tử vong do bệnh.
Cần ăn đúng
Bản chất của bệnh ung thư là các tế bào ung thư lấy dinh dưỡng của cơ thể, của những tế bào lành để phát triển và xâm lấn vào các tổ chức xung quanh. Đồng thời, chúng sẽ phóng thích (1) các yếu tố tăng viêm (như các cytokine) dẫn đến tiêu hao năng lượng lúc nghỉ, ức chế cảm giác ngon miệng, thay đổi quá trình chuyển hóa của các đại dưỡng chất là protein, lipid, glucid; (2) cũng như phóng thích các yếu tố gây thủy phân protein gây ra hiện tượng giảm khối nạc cơ thể.
Vì thế, trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư, cần bổ sung những thực phẩm có chứa chất EPA có tác dụng làm giảm việc sản xuất các yếu tố tăng viêm, làm giảm nồng độ và tác động của yếu tố gây thủy phân protein, dẫn đến giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Chất này cơ thể không thể tự tổng hợp, nguồn cung cấp chủ yếu là từ dầu của các loại cá ở vùng biển sâu như cá ngừ. Đồng thời, cung cấp đủ mức nhu cầu protein cao từ 1,5-2g/kg cân nặng, so với người bình thường là 0,8g/kg và đáp ứng đủ năng lượng cần thiết 35-50 Cal/kg cân nặng để tăng cường sức đề kháng, tăng cường khối nạc cơ thể của bệnh nhân.
Tốt nhất là ăn uống theo sở thích, khuyến khích ăn nhiều rau xanh và hoa quả, tránh các chất cay nóng, thức uống có cồn. Các loại thực phẩm tốt như súp lơ, nấm, cà chua, hoa quả... đặc biệt là sữa. Vì đây được coi là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và dễ hấp thu, giúp nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, nhất là phòng chống suy dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư rất tốt
Chế độ dinh dưỡng đặc biệt này không chỉ cần được thực hiện trong quá trình điều trị mà trong suốt thời gian trước, trong và sau khi điều trị.
Nhằm cung cấp kiến thức để chăm sóc tốt bệnh nhân ung thư, Hội Ung thư Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề “Dinh dưỡng đúng cho bệnh nhân ung thư”. Chương trình diễn ra tại Hà Nội & TP.HCMvào ngày 29/08/2010 Bạn đọc có thể đăng ký tham gia hội thảo thông qua số điện thoại:04-37365893 (đăng ký tham gia tại Hà Nội) 19001519 (đăng ký tham gia tại Tp.HCM) hoặc gởi email đăng ký về địa chỉchamsocbenhnhanungthu@gmail.com |
GS.TS Nguyễn Bá Đức
Nguyên Giám đốc bệnh viện K TƯ - Viện Trưởng viện phòng chống ung thư
(Theo Dân trí)