Ở đàn ông, rối loạn phòng the trong bệnh tâm căn suy nhược chủ yếu là xuất tinh sớm, còn ở phụ nữ là chứng lãnh đạm tình dục và rối loạn kinh nguyệt. Các rối loạn này nếu không chữa trị kịp thời sẽ dần dần nặng lên và khó khăn trong điều trị.
Trong thực tế, ngoài những rối loạn phòng the, có rất nhiều bệnh nhân bị loét dạ dày, viêm đại tràng... sau một thời gian dài điều trị chuyên khoa không hiệu quả, đã được chuyển sang khoa tâm thần, với chẩn đoán đó là những hậu quả của bệnh tâm căn suy nhược.
Ngoài những rắc rối kể trên, bệnh tâm căn suy nhược có những triệu chứng rất phức tạp, với những cảm giác bất thường kéo dài về mặt cơ thể, trí năng, tâm lý. Người bệnh cảm thấy cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, ăn uống kém ngon miệng, đầy bụng, táo bón, đau đầu, mất ngủ. Một số trường hợp còn thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác kiến bò, kim châm, tê buồn ở ngoài da, đau bụng, chuột rút hay mỏi các cơ...
Rất nhiều người nhầm lẫn bệnh tâm căn suy nhược với mệt mỏi. Tuy nhiên, ở người bệnh tâm căn suy nhược, cảm giác mệt mỏi thường kéo dài, không lý giải được, không liên quan đến sự gắng sức, đáp ứng kém với nghỉ ngơi, nếu không điều trị thì tình trạng ngày càng xấu hơn. Còn ở người mệt mỏi, cảm giác bất thường ngắn, xảy ra sau khi gắng sức, nghỉ ngơi thì hết.
Về mặt trí năng, người mắc bệnh tâm căn suy nhược thường bị rối loạn trí nhớ, khó tập trung, giảm tính linh hoạt. Về tâm lý, người bệnh dễ cáu gắt, tỏ ra nhạy cảm với những kích thích bên ngoài, với sự thay đổi thời tiết. Người bệnh hay xúc động, dễ mủi lòng, quá lo âu về bệnh tật của mình. Sự lo âu càng khiến bệnh nặng hơn, làm bệnh nhân càng bi quan, chán nản.
Thực chất, tâm căn suy nhược là một trạng thái bệnh lý đặc trưng bằng cảm giác mệt mỏi, kiệt quệ kéo dài mà cơ thể không tự hồi phục, bù đắp nổi. Bệnh có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung lại là những căng thẳng này nảy sinh từ những buồn phiền, lo lắng vì cuộc sống khó khăn, những mâu thuẫn kéo dài trong gia đình, những thất bại trong thi cử, sự nghiệp...
Lúc đầu, những “chấn thương tâm lý” kể trên có thể được não điều hoà, nhưng đến một lúc nào đó, cùng với nhiều tác nhân tâm lý khác và đặc biệt là khi gặp những yếu tố thuận lợi như cơ thể bị suy nhược vì các bệnh như nhiễm trùng, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, mất máu, làm việc quá sức, bệnh phát ra. Chính vì vậy, suy nhược không xuất hiện ngay sau sang chấn tâm lý, mà sau đó một thời gian. Vì vậy, khi những triệu chứng của bệnh xuất hiện, người ta thường nghĩ đến những nguyên nhân khác, chứ không phải bệnh tâm căn suy nhược.
Bệnh tâm căn suy nhược có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, ở hai giới, nhưng thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, người lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay và lứa tuổi phổ biến nhất là từ 18 đến 45.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài chứng mệt mỏi, bệnh tâm căn suy nhược có nét giống triệu chứng của nhiều bệnh khác. Vì vậy, bệnh nhân phải được khám bệnh thật kỹ càng để chẩn đoán chính xác bệnh, rồi điều trị một cách bài bản, kiên trì.
Ngoài những thuốc an thần nhẹ, giảm đau khi bị đau đầu, thuốc ngủ chống mất ngủ, một trong những biện pháp then chốt trong điều trị tâm căn suy nhược là loại trừ căng thẳng bằng những liệu pháp tâm lý giúp thư giãn, giảm lo âu, tin tưởng vào điều trị, thay đổi nếp sống, vui chơi giải trí lành mạnh. Bên cạnh đó, người bệnh được điều trị các bệnh mạn tính kèm theo (nếu có), bồi dưỡng cơ thể, nâng cao thể trạng, tăng cường các chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ.