Hỏi: Thường bị chứng tiêu chảy, ngày đi vài ba lần, phân có khi lỏng, khi nhão hoặc có bọt, cũng có những ngày đi cầu bình thường. Đã đi khám nhiều nơi, kể cả nội soi ruột, uống nhiều thuốc khác nhau nhưng chứng bệnh vẫn như cũ, chưa có bác sỹ nào chẩn đoán một chứng bệnh rõ ràng. Ăn uống vẫn bình thường, nhưng nhiều khi không dám ăn. Bác sỹ có kinh nghiệm gì xin mách bảo? (Lê Xuân Nhiên, Phường 3. TP Tuy Hòa) Trả lời: Trong y văn có mô tả một hội chứng kích thích ruột, với các đặc điểm triệu chứng như sau: gián đoạn, mạn tính như đau bụng tái diễn khu trú ở phần tư bụng dưới; số lần đi tiêu chảy thay đổi: phân khi khô cứng, khi nhão lỏng, khi táo bón, khi tiêu chảy. Bệnh nhân than muốn đi cầu ngay tức khắc, nhất là ngay sau khi ăn sáng 15-30 phút (thường là sau khi ăn các món có nước như phở, bún bò hoặc sau khi uống sữa). Cái cảm giác đi cầu không hết, bụng căng, đánh rắm quá mức và đau bụng quặn làm cho bệnh nhân không dám đi ăn, không dám đi xa vì sợ đi cầu bất tử. Càng lo sợ tiêu chảy, càng dễ kích thích muốn đi cầu ngay: có người nín không kịp, són ra quần. Điều đó gợi ý: nhu động tự động của ruột bị biến đổi một phần do kích thích hệ thần kinh trung ương. Cảm giác căng bụng đầy hơi làm tăng nhạy cảm, kéo theo sự phát triển tăng hoạt động nhu động ruột phản xạ. Những tình trạng căng thẳng, lo âu thường làm trầm trọng thêm triệu chứng. Bệnh thường xảy ra ở tuổi thanh niên hoặc trung niên. Tiêu chảy thường nặng lên vào buổi sáng, khi đang ăn sáng hoặc sau khi ăn sáng. Tiêu chảy có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí hàng năm và sau đó tự nhiên biến mất. Đi phân nhão, phân sống, không có khuôn. Nếu có đau bụng thì thường bớt đau sau khi đánh rắm hoặc đi cầu. Có một số bệnh thực thể gây các triệu chứng trên: khối u trong ruột, bệnh cường giáp, nhiễm trùng đường tiểu, bệnh niêm mạc tử cung lạc chỗ (nữ), hoặc dị ứng với bột ngọt (có nhiều trong các món ăn nước ở quán tiệm, món ăn chế biến sẵn), dị ứng với sữa (do thiếu men lactose). Quá trình thăm khám bệnh nhiều nơi hẳn đã loại trừ các bệnh thực thể đó và chỉ còn lại hội chứng ruột kích thích không rõ căn nguyên, đôi khi các bác sỹ gọi chung chung là rối loạn tiêu hóa. Vì bệnh không có căn nguyên và cũng không gây nguy hiểm gì (không tiến triển thành viêm mạn tính hoặc ung thư) nên cũng không có phác đồ điều trị chung cho bệnh. Nếu tình trạng tiêu chảy, đau bụng nặng, có thể dùng một số thuốc làm giảm nhẹ triệu chứng. Còn nếu chỉ đi cầu ngày vài ba lần, thì có thể tập thích nghi với tình trạng đó, tránh căng thẳng làm nặng thêm tình trạng bệnh. Kinh nghiệm của một số người: không để ý đến “nó” nữa thì thấy mọi chuyện cũng bình thường! BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)