Táo bón kéo dài không chỉ làm cho người bệnh đau đớn và khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, trĩ, viêm ruột thừa...
Kéo dài gây bệnh
Triệu chứng của táo bón là số lần đi tiêu ít hơn 3 lần trong tuần hoặc phân khô và cứng. Người bị táo bón thường gặp khó khăn hoặc bị đau khi đi tiêu cũng như các rối loạn khác như khó chịu, đầy bụng, buồn nôn, chán ăn và mệt mỏi toàn thân.
Có nhiều ngành nghề được gọi là nhạy cảm với táo bón. Nghề làm lãnh đạo, quản lý, thương nhân... thường phải làm việc trên bàn nhậu với vô số “đồ bổ” nhiều chất đạm, chất béo mà ít chất xơ, với các loại rượu, bia và các nước giải khát “gây táo bón”.
Rau lang luộc, đu đủ là thức ăn nhuận trường. Ảnh: N.Hữu
Những người làm việc nhiều ngoài trời nắng như thợ làm đường, thợ hồ... cũng dễ bị táo bón do mất nước qua mồ hôi. Một số thợ may, nhân viên vi tính, lái xe... phải ngồi lâu, bất động có thể làm giảm cảm giác mót đi cầu, phân tiếp tục mất nước trở nên khô và rắn. Giáo viên, lái xe... thường phải nhịn khi có nhu cầu đi tiêu. Lâu ngày, phân ở ruột già tích lại làm dãn ruột ở đây. Cảm giác mót đi cầu mất đi, khi cần thì khối phân không thể lọt qua hậu môn, thế là bị táo bón.
Đối với phần lớn trường hợp, táo bón chỉ là triệu chứng thoáng qua và không nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên, táo bón kéo dài không chỉ làm cho người bệnh đau đớn và khó chịu mà còn làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, trĩ, viêm ruột thừa...
Thức ăn nhuận trường
Mặc dù xơ thực phẩm không trực tiếp cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng nhưng lại thực hiện rất nhiều chức năng sinh học, đặc biệt là chức năng nhuận trường có tác dụng phòng ngừa táo bón. Khi kết hợp với nước, chất xơ hút nước và nở to làm cho phân mềm ra và khối phân to ra hơn trước khiến vách ruột càng bị kích thích mạnh, nhu động ruột càng mạnh hẳn lên làm cho việc bài tiết dễ dàng.
Việc tăng tần suất đi tiêu làm tăng tốc độ thải các độc tố và giảm độ đậm đặc của các chất độc này. Điều này giúp tránh được nguy cơ ung thư đại tràng. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch hệ tiêu hóa nhờ tính chất tăng hệ vi khuẩn lành tính đường ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa; giúp ổn định đường máu và giảm cholesterol máu.
Thức ăn nhuận trường dễ làm người ta liên tưởng tới các món ăn đơn sơ và dân dã, như một đĩa rau lang luộc, một bát canh mồng tơi giữa trưa hè hay miếng đu đủ vàng ươm với những cái hạt màu đen... Tại sao rau lang, đu đủ lại nhuận trường? Thực ra, các loại rau trái khác đều có tính nhuận trường. Đó là nhờ vào hệ thống chất xơ vốn rất nhiều trong các thực phẩm thực vật.
Chất xơ thực phẩm có nhiều trong nguồn thực vật, đặc biệt trong trái cây, rau, ngũ cốc nguyên cám, các hạt họ đậu. Hầu hết các thực vật chứa xơ không tan nhiều hơn xơ tan (xơ không tan chiếm 50% – 75% tổng chất xơ so với xơ tan chiếm 25% – 30% tổng chất xơ).
(Theo Bác sĩ Tạ Thị Lan // Nguoilaodong Online)