Sữa chua và các sản phẩm lên men khác có tác dụng hỗ trợ tích cực cho sức khỏe con người nhờ làm tăng bifidobateria, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có ích phát triển. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng, quá trình này có thể trở thành công cốc!
“Nội soi” thành phần sữa chua
Sữa chua là sản phẩm của quá trình lên men sữa động vật bởi một số loại vi khuẩn như: stretococcus lactic, lactobacillus caucasicus, streptococcus cremoris, nấm men… giúp chuyển đường đa thành đường đơn, giảm độ pH của sữa kéo theo sự đông tụ canxi trong sữa, chuyển hoá một phần casein (đạm trong sữa) thành peptone, acidamin và sản sinh ra chất tạo hương.
Nói chung, giá trị dinh dưỡng của sữa chua không kém các loại sữa uống hàng ngày. Cứ 100g sữa chua đem đến khoảng 100kcal, 3g chất đạm, 125mg canxi, rất nhiều vitamin (đặc biệt vitamin B5, vitamin B12) và nhiều khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể. Mặt khác, quá trình lên men mang đến cho sữa chua một số vi khuẩn tạo ra enzym proteaza, có lợi đường ruột, giúp hệ tiêu hoá làm việc tốt... Khuẩn lactic trong sữa chua còn giúp kích thích gia tăng số lợi khuẩn trong đường ruột và khử hoạt tính một số hoá chất gây hại, kích thích tiêu hoá, tạo cảm giác ngon miệng và tăng hiệu quả hấp thu dưỡng chất từ thực phẩm.
Vì vậy, có thể xem sữa chua là một vắc-xin tự nhiên để ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của một số bệnh dạ dày, đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày,… Với một số người sợ uống sữa (do cơ thể thiếu men lactose nên không chuyển hoá được đường lactoza trong sữa, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hoá) thì sữa chua ăn có thể giúp họ ngon miệng vì hầu như không gây khó chịu cho hệ tiêu hoá.
Bên cạnh công dụng tốt cho tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng, sữa chua ăn còn được xem là lựa chọn lý tưởng cho những ai quan tâm đến giữ dáng, giảm cân. Với hàm lượng carbohydrate, protein ở mức vừa phải, lại được phân giải thích hợp, sữa chua vừa có tác dụng giảm đói vừa giúp duy trì lượng đường huyết ổn định. Ngoài ra, axit lactic trong sữa chua còn hỗ trợ ngăn ngừa sự xâm nhập và kiềm chế hoạt động của các loại vi khuẩn có hại cho da. Đây được xem như chiếc “mặt nạ tự nhiên” giúp da mịn màng, tươi trẻ.
Khi nào không nên ăn sữa chua?
Với những công dụng nói trên, sữa chua rõ ràng rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên có tận dụng hết được những lợi điểm dinh dưỡng đó hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng của mỗi người.
Không nên ăn sữa chua lúc đói: độ pH thích hợp để men lactic trong sữa chua sinh trưởng và phát triển tốt là từ 4-5 trở lên. Khi đói, dịch vị trong dạ dày có độ pH từ 2 trở xuống sẽ làm men lactic trong sữa chua dễ bị huỷ hoại. Tốt nhất chỉ nên sử dụng sữa chua trong vòng 1-2 giờ sau bữa ăn.
Không đợi đun nóng lên rồi mới ăn: vì như vậy cũng làm mất đi tác dụng hữu ích và hương vị ngon lành của sữa chua.
Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt nếu làm như vậy. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2-3 giờ mới nên ăn sữa chua.
Ngoài ra, cũng phải đặc biệt lưu ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi chọn mua sữa chua, cũng như quá trình bảo quản khi trữ trong nhà.
(Theo TS.BS Hoàng Kim Thanh // Sài Gòn tiếp thị)