Hỏi: Người mệt mỏi, cảm giác như có vật gì đè lên ngực gây tức ngực, khó thở, ăn không ngon, ngủ kém kéo dài gần 1 năm nay. Đi khám nhiều nơi, siêu âm, chụp hình, đo điện tim, xét nghiệm máu, tất cả đều bình thường, được chẩn đoán là suy nhược cơ thể, uống đủ thứ thuốc vẫn không thấy đỡ. Tôi cần làm gì nữa để chữa được chứng bệnh của mình? (Nguyễn Thị Hạnh, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) Trả lời: Trong y khoa, suy nhược cơ thể không được xem như là một bệnh, nó chỉ là chẩn đoán được sử dụng trong những trường hợp mệt mỏi kéo dài và tìm không phát hiện bất cứ một nguyên nhân cụ thể nào. Không ít người từng gặp tình trạng như vậy, nhưng thường phụ nữ hay bị hơn nam giới. Có nhiều bệnh lý có thể gây tình trạng suy nhược kéo dài như: mang thai, tiền mãn kinh, mất ngủ, bị căng thẳng kéo dài, lao lực quá mức; một số bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, viêm gan mạn; các bệnh mạn tính như thấp khớp, ung thư, tiểu đường. Triệu chứng thường gặp trong suy nhược cơ thể gồm: kém tập trung, sút giảm trí nhớ; đau họng; nặng đầu hoặc đau đầu; đau mỏi khớp, đau cơ; sưng hạch; mất ngủ. Trừ trường hợp có các bệnh thực thể, còn hầu hết xét nghiệm máu hoặc chụp phim phổi, siêu âm, nội soi, điện tim,… đều bình thường. Không có phương thuốc đặc trị nào cho chứng suy nhược cơ thể, vài phương pháp sau đã được nhiều người áp dụng có hiệu qủa: - Tập thể dục, nhất là thể dục dưỡng sinh, aerobic với cường độ vừa phải, ví dụ ngày tập 20-30 phút, mỗi tuần ít nhất 5 ngày. - Tập thở mỗi ngày hoặc tập yoga - Hỗ trợ nhóm: tham gia các nhóm dưỡng sinh hoặc nhóm bệnh tương đồng để chia xẻ kinh nghiệm. - Không nản lòng: chứng suy nhược cơ thể không có tiên lượng xấu, nhưng cũng không hy vọng có thể thay đổi tình huống trong một thời gian ngắn. - Cố gắng giữ gìn giấc ngủ, vì mất ngủ là một trong những yếu tố gây suy nhược. - Hoạt động thể lực hằng ngày, tránh thụ động. Về ăn uống cần chú ý ăn đủ dinh dưỡng, nếu thấy ăn kém có thể bổ sung một số thuốc đạng đa sinh tố, hoặc vitamin BC, các chất chống oxy hóa như vitamin E, thuốc có sâm. Nhờ bác sỹ kê toa các loại thuốc này. Ăn 2 múi tỏi mỗi ngày. Có thể dùng một số bài thuốc nam, bắc dạng bồi bổ cơ thể. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)