Ếch thuộc họ ếch nhái, còn có tên là điền oa, điền kê hay trường cổ, thanh kê. Ếch dùng làm thuốc thường bắt vào mùa đông. Khi đem chế biến, rửa sạch, lột da, mổ bỏ hết nội tạng, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô. Thịt ếch có màu trắng, nạc, ngon như thịt gà. Trong thịt ếch có nhiều protein, chất béo, đường, canxi, photpho, kali, natri, sắt, đồng, magie, kẽm, selen, vitamin A, vitamin nhóm B, D, E, biotin, caroten…
Ảnh: minh họa - Internet |
Theo y học cổ truyền thịt ếch có vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, cường tráng, an thai, lợi tiểu, chữa cam tích ở trẻ em, suy dinh dưỡng, phiền nhiệt, hư lao, ngứa lở…
Sau đây là một số bài thuốc:
Bài 1: Chữa suy nhược ở trẻ em, đầy bụng, ăn không tiêu: Thịt ếch 1 con khoảng 90g làm thịt, rửa sạch bỏ đầu, nội tạng, chặt thành miếng, ướp gia vị cho vừa vặn, đun chín. 100g gạo tẻ vo sạch, cho thịt ếch và gạo vào ninh nhừ thành cháo, thêm hành, gia vị vừa vặn, ăn nóng. Ăn liền 3-5 ngày.
Bài 2: Bồi dưỡng khi yếu mệt, ốm dậy: Dùng các món ăn có ếch (cung cấp đạm, dễ tiêu, mát). Thịt ếch một con khoảng 90g, làm sạch, chặt nhỏ, tẩm bột, tỏi, ớt, bột ngọt, đường muối. Cho dầu hoặc mỡ vào chảo, đem rán cho nhỏ lửa thật chín vàng. Hoặc thịt ếch làm sạch chặt nhỏ đem xào với hành tây. Ăn nóng trong bữa cơm, cách ngày ăn một lần. Ăn từ 5-7 ngày.
Bài 3: Chữa trẻ ra mồ hôi trộm, ngủ không ngon giấc, lười ăn: Thịt ếch 100g, sa nhân bột 30g, lá sen tươi 1 lá, gia vị vừa đủ. Thịt ếch trộn với bột sa nhân, bột gia vị, gói vào lá sen cho vào lồng hấp chưng chín, bỏ lá sen ra để ăn thịt ếch. Mỗi liệu trình 7-10 ngày.
Bài 4: Mụn nhọt mùa hè: Thịt ếch 100g, lá sen tươi một lá, gạo tẻ 150g. Nấu cháo ếch xong nêm muối, lá sen úp lên cháo, tắt lửa, để nguội, bỏ lá sen. Dùng liền 5-7 ngày. Hoặc mụn nhọt hay bị tái phát vào mùa hè: Thịt ếch 250g, lá sen, gia vị vừa đủ. Bọc thịt ếch bằng lá sen. Hấp cách thủy chín ăn nóng. Dùng liền 5 ngày.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hương // Sức khỏe & Đời sống