Những năm gần đây, hội chứng chuyển hóa đã trở nên quen thuộc và là mối quan tâm hàng đầu của các thầy thuốc vì hội chứng chuyển hóa sẽ dẫn đến bệnh đái tháo đường type 2 và những bệnh do xơ vữa động mạch đóng vai trò chính (như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não). Hội chứng chuyển hóa còn được gọi một số tên khác như hội chứng kháng insulin, hội chứng Reaven, hội chứng X, trong đó đặc biệt nhất là tên gọi “tứ chứng chết người”. Cái tên “độc” này của hội chứng béo phì thể bụng tức béo bụng, huyết áp cao, đường huyết cao, rối loạn mỡ trong máu, nếu không điều chỉnh, cải thiện sẽ đưa đến sức khỏe bị tổn hại nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Truy tìm hội chứng chuyển hóa
Dựa vào bảng tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng chuyển hóa dành cho người châu Á, người được xem là bị hội chứng chuyển hóa nếu mắc ba hoặc nhiều hơn trong năm tiêu chuẩn sau:
Đo vòng eo: Được xem là béo bụng khi nam có vòng eo lớn hơn 90cm, nữ lớn hơn 80cm.
Đo huyết áp: lớn hơn hay bằng (³) 130/85 mmHg.
Đo đường huyết glucose lúc đói: ³ 6,1 mmol/l (³ 110mg/dl).
Đo mỡ trong máu: triglycerid ³ 1,7mmol /l (³ 150mg/dl) và HDL-cholesterol < 1mmol/l (<40 mg/dl) ở nam, < 1,3 mmol/l (<50 mg/dl) ở nữ.
Lưu ý có một số tiêu chuẩn ở nam khác với nữ. Người có huyết áp 130/85 mmHg, đường huyết lúc đói bằng 6,1 mmol/l, triglycerid bằng 1,7 mmol/l là người chưa bị bệnh cao huyết áp, chưa bị đái tháo đường, chưa bị tăng mỡ trong máu thật sự nhưng có thể đã bị hội chứng chuyển hóa.
Nếu không kiểm soát hay trị liệu hội chứng chuyển hóa sẽ dẫn đến hai bệnh nguy hiểm là bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch và bệnh đái tháo đường type 2. Người bị hội chứng chuyển hóa có nguy cơ chết vì bệnh tim mạch vành cao gấp 3 – 4 lần so với người không bị. Người “dính” phải bốn trong năm tiêu chuẩn của hội chứng chuyển hóa có nguy cơ diễn biến thành đái tháo đường type 2 gấp 24 lần so với người không phạm.
Chặn đứng “cái chết béo” bằng cách nào?
Một điều rất may mắn là hội chứng chuyển hóa có thể được khống chế bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể lực và có thể phải dùng thuốc. Trong đó, việc điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý đóng vai trò then chốt.
Nên ăn uống điều độ, vừa đủ, tránh ăn no, tránh chất béo, tăng cường ăn cá, nhiều ranh xanh, trái cây. Ăn vừa đủ chất bột, không dùng đường tinh luyện, hạn chế tối đa ăn bánh kẹo ngọt, hạn chế ăn các loại quả có độ đường cao.
Người bị hội chứng chuyển hóa cần tránh cuộc sống thụ động bằng cách rèn luyện thể lực tốt nhằm giải quyết vấn đề béo bụng do thừa cân, béo phì. Người ta ghi nhận chế độ vận động rèn luyện thể lực có giúp cải thiện tình trạng kháng insulin (insulin nhạy cảm có tác dụng kiểm soát đường huyết tốt hơn) và cải thiện tình trạng rối loạn mỡ trong máu (thể dục làm tăng HDL – loại cholesterol có lợi cho cơ thể).
Trung bình có 20% số người ở độ tuổi trung niên bị hội chứng chuyển hóa và tỉ lệ này có xu hướng ngày càng tăng
Người bị hội chứng chuyển hóa nếu béo phì quá đáng có khi phải dùng thuốc giảm cân. Nếu chỉ số BMI lớn hơn 30 phải dùng một trong hai thuốc sibutramine và orlistat. Orlistat thường được chọn do sibutramine có thể làm tăng huyết áp.
Tùy theo tình trạng của người bị hội chứng chuyển hóa, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn thuốc thích hợp. Để hạ huyết áp, bác sĩ thường chọn một trong những thuốc thuộc nhóm ức chế men chuyển, đối kháng thụ thể angiotensin II hoặc chẹn kênh calci. Để trị rối loạn mỡ trong máu, bác sĩ thường chọn thuốc nhóm statin, nhóm fibrat hoặc niacin. Với tình trạng đường huyết hơi cao đến mức giới hạn, các nhà điều trị tán dương việc thay đổi lối sống nhằm cải thiện chứ không ủng hộ dùng thuốc hạ đường huyết cho người bị hội chứng chuyển hóa nhưng chưa thật sự bị đái tháo đường type 2./.
(Theo Tuổi trẻ/VOV)