Mùa hè nắng nóng, nhưng chúng ta vẫn phải đi lại, lao động, luyện tập ngoài trời nắng nóng nên dễ bị các tổn thương do nhiệt. Nhiệt độ có thể gây ra các bệnh từ nhẹ đến nặng như: phù, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức và say nóng thậm chí phù. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc biết cách phát hiện và điều trị các bệnh này.
Các tổn thương thường gặp
Dưới tác dụng của nhiệt độ cao, cơ thể có những rối loạn theo các mức độ tổn thương như sau: phù do nhiệt (heat edema), chỉ gây khó chịu. Ban nhiệt, rôm sảy: ban kê đỏ, tạm thời, khó chịu, nhẹ. Chuột rút do nhiệt: làm bệnh nhân đau đớn, nhưng dễ điều trị, khi bệnh nhân có sự thích nghi khí hậu thì hết bệnh. Kiệt sức do nhiệt: là rối loạn khá nghiêm trọng nhưng không có thương tổn cơ quan, tăng thân nhiệt nhẹ. Say nóng: là rối loạn nặng, nguy kịch, thương tổn cơ quan, nhiệt độ cơ thể tăng cao rõ rệt, tỷ lệ tử vong đáng kể.
Yếu tố nguy cơ làm dễ tổn thương do nhiệt gồm: khí hậu nắng nóng, gia tăng sự sinh nhiệt trong cơ thể như: lao động, vận động, những bệnh gây sốt, thuốc làm tăng sinh nhiệt như hormon giáp trạng, thuốc làm giảm khát, các thuốc làm giảm ra mồ hôi...; ngăn cản sự thải nhiệt như mặc nhiều quần áo, béo phì, mất nước; tuổi quá nhỏ dưới 4 tuổi, hoặc quá cao trên 78 tuổi; bệnh mạn tính gây mất năng lực chịu đựng như suy tim, các bệnh tâm thần, nghiện rượu, bệnh ngoài da như bỏng rộng do nắng mặt trời làm hủy hoại khả năng ra mồ hôi...
Phát hiện và điều trị các bệnh do nắng nóng
Phù do nhiệt là sưng nhẹ ở bàn chân và mắt cá chân trong những ngày hè, thường trở nặng trong những ngày đầu sau khi tiếp xúc. Bệnh nhân còn bị sưng nhẹ ở ngọn chi như bàn tay và bàn chân, tình trạng này hay xảy ra trong vài ngày đầu tiếp xúc với một môi trường nóng mới. Phù do nhiệt là do sự giãn mạch ở da và sự ứ dịch kẽ nơi ngọn chi. Điều trị: bệnh nhân cần được động viên, giải thích cho yên tâm và khuyên tránh nắng nóng, ăn uống và làm việc nghỉ ngơi vừa sức. Nâng cao các chi lên và trong những trường hợp phù nặng, cần mang tất đè ép. Tuy phù nhưng không nên cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu vì có thể làm mất thêm nước và muối.
Chuột rút do nhiệt là những co thắt đau đớn của những nhóm cơ lớn của cơ thể, hay gặp ở bắp chân và đùi, xảy ra trong khi hoặc ngay sau khi lao động hay luyện tập gắng sức trong môi trường nắng, nóng. Chứng chuột rút cũng dễ gặp khi bù nước nhưng không thêm muối đầy đủ, dẫn đến tình trạng giảm natri huyết trong các cơ, gây nên các co thắt đau đớn của những cơ lớn, nhất là ở bắp chân, đùi và vai. Bệnh thường xảy ra trong thi đấu điền kinh, chứng chuột rút do nhiệt được cho là do tình trạng giảm natri huyết pha loãng, khi các vận động viên bù dịch bị mất do mồ hôi toát ra bằng nước uống nhưng không thêm muối. Điều trị cần bù nước và chất điện giải tốt nhất bằng dung dịch oresol, truyền dịch Ringer lactat, dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương. Bệnh nhân cần được dự phòng mất nước và muối bằng dung dịch điện giải đẳng trương hoặc oresol.
Ngất xỉu do nhiệt xảy ra do mất thể tích dịch cơ thể, giãn mạch ngoại biên và giảm trương lực vận mạch. Bệnh thường xảy ra do đứng lâu trong tiết trời nóng như trường hợp luyện tập quân sự, người già và những người thích nghi kém với khí hậu.
Nhiệt độ cơ thể tăng cao, giãn mạch và mất nước tương đối là những triệu chứng báo trước. Điều trị bằng cách đặt nạn nhân ở tư thế nằm trong một môi trường mát mẻ và cho uống dịch oresol.
Kiệt sức do nhiệt là một hội chứng nghiêm trọng hơn, được gây nên bởi mất nước hay mất muối do nhiệt. Biểu hiện của hội chứng này gồm: nôn mửa, chóng mặt, tăng thân nhiệt nhẹ và các dấu hiệu mất nước với trạng thái tâm thần chỉ bị biến đổi tối thiểu. Kiệt sức do nhiệt loại mất muối xảy ra khi dịch bị mất chỉ được bù bởi nước, không bù muối, hậu quả là giảm natri huyết và thể tích máu tương đối bị giảm. Kiệt sức do nhiệt loại mất nước nguy hiểm hơn, tiến triển nhanh chóng đến tình trạng mất nước và say nóng. Nếu được điều trị kịp thời, cả hai trường hợp đều nhanh hồi phục.
Điều trị bằng cách làm mát là chủ yếu, nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi nguồn nhiệt để được hồi phục trong một môi trường mát. Bù dịch bằng đường tĩnh mạch bằng dung dịch muối đẳng trương.
Kiệt sức do nhiệt cần phân biệt với say nóng là hai bệnh lý của một quá trình liên tục của các bệnh liên quan với nhiệt. Kiệt sức do nhiệt là rối loạn nhẹ hơn say nóng, là tình trạng quá tải nhiệt có thể đảo ngược được, trong khi say nóng là tổn thương nặng ở mô không đảo ngược được.
Say nóng xảy ra khi các cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể bị suy không thể làm thải nhiệt ra khỏi cơ thể, khiến nhiệt độ tăng cao nhiều và đưa đến thương tổn và suy nhiều hệ cơ quan. Say nóng đặc trưng bởi tăng thân nhiệt và loạn năng hệ thần kinh trung ương. Kết quả cuối cùng là thương tổn nội mô, rối loạn đông máu, suy vi tuần hoàn, suy nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Biểu hiện say nóng gồm: choáng do giảm thể tích, biến đổi tri giác, nhiệt độ trực tràng trên 40oC; ra mồ hôi có hoặc không; mất nước, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, hạ huyết áp lúc đứng hay nằm; trường hợp nặng có co giật, hay hôn mê.
Điều trị say nóng cần nhanh chóng làm mát bệnh nhân. Khẩn trương đưa bệnh nhân ra khỏi nguồn nóng, cởi hết quần áo và được đắp khăn ướt trong lúc di chuyển tới trung tâm y tế có điều kiện để điều trị. Phun bụi nước ấm lên da bệnh nhân, đồng thời hướng quạt máy lên bề mặt da để làm gia tăng sự bốc hơi. Phương pháp này có hiệu quả trong sự làm giảm nhiệt độ của cơ thể. Cũng có thể đặt các bọc nước đá lên bẹn và nách nhưng phải được theo dõi để tránh thương tổn da do lạnh.
(Theo ThS. Phạm Phú Vinh // Suckhoe & Đoisong)