Nhân viên Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) được trang bị khẩu trang phòng cúm A/H1N1 khi làm việc. Ảnh: Lê Toàn |
Vài lời khuyên cụ thể cho doanh nghiệp trong việc xử lý thông tin liên quan đến lây nhiễm cúm A/H1N1 trong doanh nghiệp của mình.
Đầu giờ sáng, nhân viên của một đơn vị tại TPHCM nhận được tin con gái của một đồng nghiệp đã bị nhiễm cúm A/H1N1 và chị đã theo con vào nhập viện sáng nay. Mọi người nhìn nhau với cùng một suy đoán: mẹ chăm con suốt mấy ngày trước khi bệnh trở nặng phải vào viện, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn! Cho dù phòng làm việc của chị ở tầng trệt, còn nhiều người thì ngồi trên lầu hai, lầu ba, nhưng chẳng cần ai nhắc, mỗi người đã căng óc nhớ lại xem mấy hôm nay mình có tiếp xúc với chị không. Một anh bạn trẻ chợt đưa tay lên sờ trán để kiểm tra nhiệt độ; người khác lật đật bỏ viên C sủi bọt vào nước uống vì tự nhiên thấy trong người gai gai ớn lạnh. Họ nhìn nhau cười, nhưng không khỏi thấy lo trong lòng!
Hai giờ sau khi có “hung tin” trên, phòng hành chính của đơn vị này phát cho mỗi người một khẩu trang y tế. Sau đó là thông báo về các kế hoạch xử lý tình huống nếu cúm A/H1N1 thực sự xuất hiện theo đề xuất của đội ngũ cán bộ quản lý. Suốt cả ngày hôm đó, mọi người thấp thỏm hỏi tin nhau, còn các đồng nghiệp làm cùng phòng với người đang nghi ngờ nhiễm cúm thì như có án treo, cả đêm mất ngủ mong cho mau đến sáng để biết kết quả xét nghiệm của chị. Hôm sau, chị gọi vào báo: “Kết quả âm tính”. Mọi người thở phào! Mừng cho chị mà cũng thấy may mắn cho chính mình.
Đeo hay không đeo khẩu trang?
Có rơi vào tình huống như thế mới cảm nhận hết sự rủi ro chực chờ khi mà số người nhiễm cúm tăng lên từng ngày trong cộng đồng. Không ai có thể đoán trước được ngày nào virus cúm sẽ vào đến công ty hay tổ chức của mình. Một người trong công ty bị nhiễm cúm, dù ít hay nhiều, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Nào là nội bộ hốt hoảng; tin đồn xấu lan nhanh khiến khách hàng, đối tác e ngại; khâu sản xuất, kinh doanh có thể bị gián đoạn; và còn nhiều hệ lụy rắc rối khác…
Vì thế, việc chuẩn bị tâm lý cho nhân viên, giúp họ xử lý trong tình huống virus A/H1N1 tấn công doanh nghiệp, đơn vị mình có lẽ là điều cần thiết cho lãnh đạo trong lúc này, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, các trường học, hay những doanh nghiệp trong ngành dịch vụ vận chuyển, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm...
Tuần trước, khi những thông tin về các ca nhiễm cúm mới tại trường tư thục Ngô Thời Nhiệm (quận 9) và trường Nguyễn Khuyến (Tân Bình) được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhân viên của một ngân hàng có chi nhánh đặt trên các địa bàn này bắt đầu cảm thấy rủi ro vì mỗi ngày họ tiếp xúc với hàng trăm khách hàng. Ngay cả đối với các nhân viên đứng quầy giao dịch, vách kiếng ngăn trước mặt trở nên sao quá mong manh. Các nhân viên tư vấn phải ngồi mặt đối mặt với khách hàng thì càng lo hơn nữa! Giám đốc chi nhánh gọi điện thoại về “tổng hành dinh” xin phép cho nhân viên đeo khẩu trang khi giao dịch với khách.
Sau khi thảo luận, tổng hành dinh ngân hàng ra quyết định không cho phép nhân viên đeo khẩu trang. Lý do là vì sự lây lan của cơn dịch này chưa nghiêm trọng, đeo khẩu trang cũng có nghĩa là tạo sự ngăn cách với khách hàng, điều cấm kỵ trong triết lý kinh doanh của ngân hàng này.
Dường như quyết định đeo khẩu trang hay không khi đến công sở trong giai đoạn dịch cúm này tùy thuộc vào nhận thức về mức độ lây lan của người đứng đầu doanh nghiệp. Cách nay hai tháng, phòng kinh doanh của Phú Mỹ Hưng đã phát khẩu trang y tế cho khách hàng ngay khi họ vừa đến cửa với lời nhắc nhở nên đeo vào để tránh bị nhiễm cúm. Hay gần đây hơn là hôm 30-7, Công ty Nước tinh khiết Sài Gòn (Sapuwa) đã buộc toàn thể nhân viên phải đeo khẩu trang y tế do công ty phát hàng ngày. Ban giám đốc Sapuwa quan niệm biện pháp này không chỉ để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên công ty mà còn bảo vệ cho gia đình họ và khách hàng.
Xây dựng các kịch bản phòng cúm
Theo một tài liệu hướng dẫn các biện pháp kiểm soát lây nhiễm dịch cúm A/H1N1 tại nơi làm việc do Bộ Y tế Singapore ban hành, một trong những công việc mà cấp quản lý cần làm để giảm thiểu mức độ rủi ro là phải giáo dục cho nhân viên biết về dịch bệnh này, tăng cường ý thức giữ gìn vệ sinh của mỗi cá nhân... Trong trường hợp có thể, cũng nên có những thông tin tư vấn sức khỏe cho khách hàng.
Chẳng biết có phải vì lời khuyên này hay không mà phóng viên TBKTSG trong chuyến đi công tác Singapore giữa tháng 7, vừa ra khỏi phi trường Changi, đã được ban tổ chức chuyến đi phát cho một túi y tế. Trong đó có một cặp nhiệt độ điện tử, hai khẩu trang bình thường và một khẩu trang N-95, một bình dung dịch sát khuẩn khô và một bảng hướng dẫn chi tiết về các triệu chứng biểu hiện của bệnh cúm. Bản hướng dẫn này ghi rõ khi nghi ngờ mắc cúm phải đeo ngay khẩu trang vào và báo cho cơ quan liên quan theo số điện thoại cho sẵn.
Tuy nhiên, để kiểm soát và ngăn ngừa dịch cúm ở công ty, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ cần xây dựng một chương trình truyền thông hướng dẫn cách thức bảo vệ sức khỏe, các biện pháp kiểm tra sức khỏe nhân viên, mà còn phải chuẩn bị một loạt các kịch bản để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh khi có nhân viên nhiễm cúm.
Ông Lê Như Ái, Tổng giám đốc Sapuwa, cho biết công ty ông đã có các kịch bản hướng dẫn chi tiết xử lý tình huống từ lúc bắt đầu nghi ngờ nhiễm cúm cho đến trường hợp nhiễm cúm. Các tình huống bao gồm từ bước cách ly người bệnh, những đối tượng có liên quan, báo cáo với cơ quan y tế trên địa bàn, cho đến khoanh vùng khu vực có người nhiễm cúm, công tác vệ sinh, khử trùng khu vực đó, các kế hoạch sản xuất dự phòng. Trong đó có cả quy trình cập nhật, công bố thông tin ra bên ngoài cho giới truyền thông, đối tác. Công ty Sapuwa cũng đã lập danh sách của “đội đặc nhiệm” sẵn sàng hoạt động trong trường hợp virus cúm A/H1N1 xuất hiện.
Công khai thông tin về cúm
Thực tế hiện nay, khi xây dựng các kịch bản đối phó với dịch cúm, có một số doanh nghiệp ở phần xử lý thông tin đã đưa ra giải pháp không công khai thông tin cho giới truyền thông ngay cả khi nhân viên đã được xác nhận nhiễm cúm. Họ e rằng thông tin đó sẽ làm khách hàng e ngại đến công ty giao dịch, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Lo ngại như trên là có cơ sở, nhưng cách xử lý này là chưa đúng, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Trong thời đại truyền thông ngày nay, doanh nghiệp khó có thể che đậy thông tin nếu có nhân viên bị nhiễm cúm. Doanh nghiệp càng bưng bít thông tin, tin đồn càng lan nhanh sẽ gây tâm lý hoang mang nơi khách hàng. Vì thế, khi không biết rõ khu vực hoạt động nào của doanh nghiệp có người nhiễm bệnh, họ lại càng e ngại không dám đến công ty. Mối lo âu của khách hàng sẽ gia tăng tỷ lệ nghịch với sự âm ỉ của tin đồn. Sẽ khó nói trước được rủi ro gì sẽ đến với doanh nghiệp nếu đối thủ cạnh tranh “ra tay” nhân sự cố này.
Chuẩn bị kế hoạch đối phó với dịch cúm ở doanh nghiệp A. Thành lập một bộ phận theo dõi hoạt động liên tục của doanh nghiệp
|
Có lẽ đối sách tốt nhất trong trường hợp này là doanh nghiệp nên có chính sách thông tin minh bạch, công khai trường hợp nhiễm cúm ở đâu, khi nào, các bước xử lý của doanh nghiệp ra sao, cập nhật các thông tin liên quan đến nhân viên, khách hàng và giới truyền thông một cách liên tục.
Chọn giải pháp này, có thể lượng khách hàng, đối tác sẽ giảm trong vài ngày khi biết tin doanh nghiệp có nhân viên mắc cúm. Nhưng khi họ đã biết rõ các biện pháp xử lý của doanh nghiệp và được cập nhật thông tin liên tục, họ sẽ nối lại các mối quan hệ. Đó là chưa kể một giá trị gia tăng lớn hơn mà doanh nghiệp đạt được khi chọn giải pháp này là sự nhận biết của khách hàng về tinh thần trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng của doanh nghiệp.
Trong những ngày này, nếu doanh nghiệp bạn vẫn chưa có trong tay các kịch bản để đối phó với dịch cúm A/H1N1, bạn có thể vào trang web của Bộ Y tế Singapore, www.moh.gov.sg để tham khảo. Khi vào “http://www.moh.gov.sg/mohcorp/currentissues.aspx?id=16200”, bạn sẽ tìm thấy hai tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh đáng lưu ý.
Tài liệu thứ nhất là bảng hướng dẫn cách thức ngăn ngừa lây nhiễm cúm nơi làm việc của Bộ Y tế Singapore. Tài liệu thứ hai liên quan đến bảng hướng dẫn khá cặn kẽ các kế hoạch doanh nghiệp nhỏ và vừa nên chuẩn bị để đối phó với dịch cúm hầu tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh (tham khảo một số box trích dịch dưới đây) do các tổ chức như Singapore Business Federation và Spring Singapore soạn thảo.
Tài liệu này có đoạn phân chia các tình huống tùy theo mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, từ “xanh” (mức độ thấp nhất) cho đến “đen” (mức độ cao nhất), và doanh nghiệp nên làm gì trong mỗi tình huống. Ở mức độ thứ hai (vàng), các chuyên gia khuyên doanh nghiệp nên chọn ra “flu manager” (người phụ trách phòng cúm) cho doanh nghiệp mình nhằm điều phối các hoạt động phòng chống cúm hiệu quả.
Có người cho rằng dịch cúm hiện nay là chuyện “chưa có gì mà ầm ĩ”. Nhưng rủi ro thì không ai biết trước. Chính vì thế các cơ quan có trách nhiệm ở Singapore đã hướng dẫn khá cặn kẽ để các doanh nghiệp của họ chuẩn bị từ mấy tháng trước. Trang web của Bộ Y tế Việt Nam cũng có thông tin về cúm A/H1N1, nhưng xem ra hãy còn rất khiêm tốn. Nhưng thôi, xin đừng so bì chuyện xứ người, xứ ta. Thay vào đó, hãy chuẩn bị các “bảo bối” cần thiết để đối phó với dịch cúm.
Mong rằng “bảo bối” này sẽ mãi mãi nằm trong ngăn kéo vì người viết bài thật tâm cầu chúc doanh nghiệp bạn không bao giờ bị virus cúm A/H1N1 gõ cửa!
(Theo Thục Đoan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)