Mã đề (cho vị Xa tiền tử). Ảnh: V. Đ. Q |
Sỏi mật hay gọi đúng là sỏi đường dẫn mật. Sỏi có thể nằm ở đường mật trong gan, ở nơi giao nhau giữa ống dẫn mật, túi mật, cổ túi mật, ống mật chủ... Tùy theo vị trí, kích thước viên sỏi mà có phương pháp xử trí khác nhau. Trong đó, một số trường hợp có thể điều trị khỏi bằng phương pháp y học cổ truyền. Trong phạm vi bài viết này, bác sĩ Vũ Đình Quỳnh giới thiệu với bạn đọc cách điều trị sỏi mật bằng phương pháp y học cổ truyền.
Có 3 loại sỏi mật thường gặp: sỏi Cholesterol hình thành do kết tinh cholesterol trong máu với dịch mật; sỏi sắc tố mật có bản chất chủ yếu là Calcium Bilirubinat, hình thành khi Bilirubin tăng hoặc do nhiễm ký sinh trùng đường mật, sỏi này rất cứng và khó làm tan bằng thuốc; sỏi hỗn hợp thường gặp nhất, được cấu tạo bởi Cholesterol và Calci. Theo thống kê của các bệnh viện, sỏi túi mật của người Việt Nam phần lớn là loại sỏi sắc tố.
Theo y học cổ truyền, sỏi mật được nêu trong phạm vi chứng can khí thống và hoàng đản hoặc đởm thạch chứng. Chia làm hai thể trên lâm sàng: Khí trệ và Thấp nhiệt.
1. Thể khí trệ:
- Triệu chứng: Đau vùng hạ sườn phải âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn kèm buồn nôn, nôn mửa và các triệu chứng đầy bụng, sôi bụng, ợ hơi xảy ra sau khi ăn, miệng đắng không muốn ăn, có thể kèm theo hoàng đản (vàng da) và sốt nhẹ. Lưỡi trắng mỏng, mạch huyền (căng).
- Phép trị: Hành khí, giải uất, thông lâm
- Phương thuốc: (dùng một trong các bài thuốc sau)
Quảng Kim tiền thảo. |
+ Bài 1:
Kim tiền thảo 40g
Chi tử 10g
Nhân trần 15g
Uất kim 15g
Hương phụ 15g
Mộc hương 10g
Chỉ xác 10g
Cam thảo 10g
Kê nội kim (sao cát) 15g
* Sắc uống ngày một thang. Mỗi thang đổ vào 600 ml nước sắc còn 200 ml uống, ngày sắc 2 lần.
+ Bài 2: Sài hồ sơ can thang gia vị
Sài hồ 10g
Bạch thược 10g
Xuyên khung 10g
Thanh bì 10g
Chỉ thực 10g
Hương phụ 15g
Kim tiền thảo 40g
Huyền hồ 15g
Uất kim 15g
Cam thảo 10g
Kê nội kim (sao cát) 15g
* Sắc uống ngày 1 thang với cách sắc như trên.
2. Thể thấp nhiệt:
- Triệu chứng: đau tức vùng hạ sườn phải, miệng đắng, họng khô, buồn nôn kèm sốt, sợ lạnh, mắt vàng, da vàng, nước tiểu đỏ, rêu lưỡi vàng dày, nhớt, mạch huyền hoạt sác.
- Phép trị: thanh nhiệt trừ thấp
- Phương thuốc: (dùng một trong hai bài thuốc sau)
+ Bài 1: Long đởm tả can thang gia giảm
Long đởm thảo 15g
Sài hồ 10g
Hoàng cầm 15g
Chi tử 10g
Sinh địa 10g
Sa tiền tử 10g
Đương quy 16g
Trạch tả 10g
Mộc thông 10g
Kim tiền thảo 40g
Nhân trần 15g
Đại hoàng 05g
Uất kim 15g
Hoàng bá 15g
Thổ phục linh 20g
Cam thảo 10g
* Sắc uống ngày 1 thang như trên.
+ Bài 2:
Kim tiền thảo 40g
Chi tử 10g
Nhân trần 15g
Uất kim 15g
Đại hoàng 05g
Chỉ xác 10g
Cam thảo 10g
Kim ngân hoa 15g
Thổ phục linh 20g
Liên kiều 15g
Kê nội kim (sao cát) 15g
* Sắc uống ngày 01 thang với cách sắc như trên.
Ngoài ra còn một số bài thuốc theo kinh nghiệm trị sỏi mật có hiệu quả sau đây:
- Bài 1: Hoàng kim linh thang:
Đại hoàng 5g
Hoàng cầm 15g
Khương hoàng 15g
Uất kim 20g
Kim tiền thảo 40g
Kim ngân hoa 15g
Uy linh tiên 15g
Kê nội kim (sao cát tán nhuyễn) 15g
* Sắc uống ngày 01 thang, có thể tán bột uống 10g × 2 lần/ ngày với liều lượng gấp từ 5-10 lần thuốc thang.
- Bài 2: Lợi đởm bài thạch thang
Sài hồ 15g
Hoàng cầm 15g
Liên kiều 15g
Đan sâm 15g
Hồng hoa 10g
Hoạt thạch 20g
Sơn tra 15g
Hổ trượng căn 15g
Kim tiền thảo 30g
Huyền minh phấn 10g
* Sắc uống ngày 01 thang.
- Bài 3: Đại sài hồ thang gia vị
Sài hồ 10g
Hoàng cầm 15g
Bán hạ chế 10g
Bạch thược 10g
Sinh khương 10g
Đại hoàng (sao rượu) 10g
Uất kim 10g
Nhân trần 30g
Hoạt thạch 20g
Kim tiền thảo 30g
Chỉ xác 10g
Kê nội kim 15g
Thạch vĩ 15g
Đại táo 15g
Hải kim sa 10g
* Sắc uống ngày 1 thang.
Việc điều trị bằng thuốc đối với 3 loại sỏi mật trên, chỉ có hiệu quả cao đối với sỏi cholesterol, còn các loại sỏi khác khó có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, việc điều trị sỏi mật bằng thuốc (cả bằng y học hiện đại lẫn y học cổ truyền) chí ít cũng làm sỏi không tăng thêm về kích thước và rất có hiệu quả trong một số trường hợp, đặc biệt là việc phòng ngừa sỏi mật tái phát sau mổ.
Bs CKI VŨ ĐÌNH QUỲNH Bệnh viện Y học cổ truyền TP Cần Thơ
(Theo // Cantho Online)