Hỏi: Có phải bị đau dạ dày là phải chịu suốt đời, không thể trị khỏi. Tôi bị đau đã lâu, uống rất nhiều loại thuốc, có dùng cả loại thuốc kháng sinh trong vỉ nhiều màu, nghe nói lá phác đồ mới, nhưng cũng không hết bệnh. Bác sỹ có kinh nghiệm gì xin góp ý thêm? (Trần Văn Trọng, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) Trả lời: Bệnh lý dạ dày-tá tràng (đau dạ dày) phức tạp, có thể là viêm, nặng hơn là loét, nhưng có khi chỉ là rối loạn tiêu hóa có triệu chứng giống loét, tức là người bệnh cảm thấy đau giống như có loét, nhưng khi chụp X quang hoặc nội soi thì không thấy dấu hiệu gì bất thường ở niêm mạc dạ dày, tá tràng. Đặc biệt, gần đây đã xác định được một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter Pylori (HP) đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh viêm loét dạ dày tá tràng. Vì vậy trong điều trị có dùng phối hợp một số loại kháng sinh. Theo đánh giá, điều trị theo cách này có thể chữa khỏi đến 80% các trường hợp có triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng. Để sử dụng hiệu quả phác đồ phối hợp kháng sinh diệt khuẩn chống loét cần xét nghiệm chứng minh có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Vì vậy rất cần thiết đi khám bệnh ở thầy thuốc chuyên khoa để xem tình trạng bệnh như thế nào. Tuỳ tình trạng bệnh mà việc dùng thuốc có khác nhau. Ngoài thuốc kháng sinh phối hợp; trên thị trường các loại thuốc điều trị loét dạ dày-tá tràng rất đa dạng: Thuốc kháng axit: nhằm làm giảm độ chua của dịch trong dạ dày như Maalox, Phosphalugel,... Thuốc kháng thụ thể H2 nhằm giảm tiết axit như Tagamet, Zantac,... Thuốc ức chế bơm Proton cũng nhằm giảm tiết axit như Omeprazol, Lansoprazol,... Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như Sucrafar, Trymo,... Tuỳ tình trạng bệnh, có khi chỉ cần dùng một trong số các loại thuốc kể trên. Cách dùng thuốc đúng cũng rất quan trọng. Như thuốc kháng axit thường một ngày phải uống 4 lần: 3 lần uống sau 3 bữa ăn 1-2 giờ (không nên uống ngay trước hay ngay sau bữa ăn) và 1 lần nữa vào tối ngay trước khi ngủ. Thuốc kháng thụ thể H2 có thể uống 1 liều duy nhất vào tối ngay trước khi ngủ. Còn thuốc ức chế bơm proton có thể uống 1 liều duy nhất vào buổi sáng trước khi ăn sáng. Khi đang dùng thuốc trị viêm loét, lưu ý phải kiên trì. Viêm loét tá tràng thường phải dùng thuốc cả tháng, viêm loét dạ dày có thể dài hơn. Nếu người dùng thuốc không kiên trì, sau vài ngày dùng thuốc chưa thấy dấu hiệu cải thiện đã vội đổi thầy, đổi thuốc, việc điều trị sẽ khó khăn. Ngoài ra nên lưu ý thực hiện tốt chế độ làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh xúc động, căng thẳng thần kinh quá mức. Ăn uống cũng không nên kiêng khem quá, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng, tránh ăn quá no, hoặc để quá đói mới ăn. BS ĐOÀN VĂN HẢI
(Theo Phú Yên Online)