Bệnh cước tay, chân thường xuất hiện mỗi khi trời rét, đặc biệt là khi thời tiết lạnh giá đột ngột. Đây là bệnh rất nhiều người mắc. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt.
Trời lạnh, ai dễ bị phát cước?
Ảnh: Internet. |
Phát cước là tình trạng giá lạnh của một bộ phận cơ thể (thường là phần da), khi tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp. Đó là biểu hiện của tình trạng hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm, hay gặp ở các ngón chân và tay, và có thể thấy ở mũi hay tai.
Nguyên nhân do lạnh, làm cho các mạch máu ngoại vi dưới da bị co lại, khiến máu lưu thông chậm, gây thiếu ôxy ở vùng cần nuôi dưỡng. Khi được làm ấm đột ngột, mạch máu sẽ bị vỡ, kết quả là dễ dẫn tới viêm, sưng nề, ngứa và đau. Bệnh không phải do dị ứng hay di truyền mà do thân nhiệt chịu lạnh kém.
Bệnh hay gặp ở phụ nữ, những người lao động chân tay như làm ruộng, người làm nghề chài lưới, chèo đò, vận động viên đua thuyền... Ngoài ra, bệnh cũng hay gặp ở những người có tuần hoàn máu kém, những người mà hay bị lạnh ngón tay, ngón chân ngay trong nhiệt độ không lạnh.
Luôn giữ ấm tay, chân để phòng bệnh
Bệnh cước tay, chân là một loại chấn thương do lạnh thường xuất hiện vào mùa đông với triệu chứng các đầu ngón chân và tay sưng đỏ, ngứa ngáy như bị kim châm, thậm chí đau đớn, phồng rộp, đôi khi tê dại, bóp mạnh không có cảm giác.
Người bệnh cảm thấy đau đớn vùng bị tổn thương, thâm tím khi nhúng vào nước lạnh và ngứa ngáy khi được ủ ấm làm ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt.
Khị bị cước tay, chân cần đến khám tại các phòng khám chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Không tự ý dùng các loại thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc uống bởi bệnh sẽ không khỏi mà còn nguy hiểm cho tính mạng.
Đặc biệt, lưu ý không nên gãi quá nhiều để tránh lở loét, phồng rộp, dẫn đến nhiễm trùng. Cách đơn giản giúp giảm ngứa, giảm đau khi bị cước, buổi tối trước khi đi ngủ nên ngâm tay, chân vào nước ấm pha ít muối khoảng 30 phút, có thể cho thêm vài lát gừng giúp làm ấm nhanh. Sau đó, cần lau khô và đi tất để giữ chân luôn ấm, cả khi ngủ. Trong ăn uống, cần kiêng những thức ăn hay gây dị ứng. Hạn chế các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá...
Để phòng bệnh, mùa lạnh nên thường xuyên giữ ấm bàn tay và bàn chân. Đặc biệt, cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh, các chất tẩy rửa; Nên đeo găng tay khi rửa bát, giặt giũ, lau nhà...; Tắm bằng nước ấm để cân bằng nhiệt độ, tăng tuần hoàn cho da; Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây...
(Theo Bác sĩ Phạm Huy // Sức khỏe và Đời sống)