Thời gian qua, thời tiết nắng nóng không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn làm gia tăng lượng bệnh do tai biến mạch máu não (TBMMN). Số bệnh nhân bị TBMMN nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2009. Bài viết của bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thu Ngân, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu hơn yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.
Một bệnh nhân tai biến mạch máu não bị liệt nửa người đang được cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động. Ảnh: K.LOAN |
Các yếu tố nguy cơ gây TBMMN có hai nhóm:
- Nhóm thứ nhất là nhóm các yếu tố nguy cơ không tác động được, như: tuổi càng cao càng dễ bị, nam dễ bị bệnh hơn nữ, di truyền...
- Nhóm thứ hai là nhóm các yếu tố nguy cơ có thể tác động được, gồm: bị bệnh tim mạch (tăng huyết áp, hẹp động mạch cảnh, rung nhĩ...), tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, thói quen không tốt (uống nhiều bia, rượu, thuốc lá, ít vận động cơ thể...).
Tình trạng thiếu máu não thoáng qua cũng có liên quan đến TBMMN. Các biểu hiện của thiếu máu não thoáng qua chỉ diễn ra trong vài phút đến vài giờ, thường không kéo dài quá 24 giờ. Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua sẽ biến mất nhưng người bị tình trạng này dễ bị TBMMN trong khoảng thời gian ngắn sau đó (từ 1-3 tháng).
Một số biện pháp để phòng tránh bị TBMMN:
1. Phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp: Có rất nhiều bệnh nhân chỉ được phát hiện tăng huyết áp khi đã bị TBMMN. Do vậy, những người mắc bệnh tăng huyết áp cần theo dõi tình trạng huyết áp và chữa trị đúng. Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg. Thay đổi lối sống và dùng thuốc được áp dụng cho bệnh nhân có huyết áp trên 140/90mmHg.
2. Kiểm soát tốt đường huyết: Người bị bệnh đái tháo đường có nguy cơ bị TBMMN cao gấp 2-2,5 lần so với người bình thường. Khoảng 100 người bệnh đái tháo đường thì có đến 40-60 người có kèm theo bệnh tăng huyết áp. Tiểu đường kết hợp với tăng huyết áp khiến nguy cơ bị TBMMN tăng gấp 3 lần. Bệnh nhân đái tháo đường cũng thường bị rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu.
3. Thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục điều độ: Nhằm giảm nguy cơ bị vữa xơ động mạch và TBMMN, như: cai thuốc lá, kiêng mỡ và tránh ăn mặn, hạn chế bia, rượu, thức ăn ngọt... Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước để giảm lượng lipid máu, giảm huyết áp và giảm đường máu (nếu bệnh nhân bị đái tháo đường). Dành thời gian trong ngày để thư giãn, giải trí, tránh bị stress; tập thể dục để cải thiện tình trạng tim mạch và các yếu tố nguy cơ tim mạch.
4. Điều trị rối loạn lipid máu: Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ; kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6-12 tháng/ lần. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu là LDL-C dưới 2,6 mmol/l (100mg/dl), triglycerid dưới 2,3 mmol/l (200 mg/dl) và HDL-C bằng hoặc trên 1,0mmol/l (40mg/dl).
Đối tượng có nguy cơ bị TBMMN cao nhất là: Người mắc bệnh tim mạch; có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, nghiện rượu, béo phì, hút thuốc lá, người thường trong trạng thái căng thẳng. Đặc biệt thời tiết nắng nóng cũng là yếu tố làm gia tăng bệnh này. TBMMN là bệnh nguy hiểm nhưng nếu biết cách phòng ngừa thì có thể giảm được nguy cơ bệnh. Bên cạnh đó, cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bác sĩ tư vấn điều trị và hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh.
Bác sĩ PHAN THỊ THU NGÂN (Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ)