Thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi để rất nhiều bệnh lây qua đường hô hấp phát triển, đặc biệt là viêm dây thanh quản. Nếu không được điều trị bệnh này dễ dẫn tới ung thư...
Do ô nhiễm môi trường
Ảnh minh hoạ. |
PGS.TS Nguyễn Thị Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng T.Ư, Trưởng phòng khám Tai mũi họng BV Hồng Hà cho biết thời tiết chuyển mùa, thất thường khiến bệnh viêm nhiễm đường hô hấp gia tăng. Mỗi ngày có vài chục bệnh nhân tới khám và thường gặp nhất là khàn tiếng đặc, mất tiếng, khó thở, nuốt khó, ho…
Nguyên nhân thì nhiều, song một yếu tố vô cùng quan trọng là môi trường ô nhiễm, khiến trung bình một người dân thành phố hít khoảng 10.000 vi sinh vật mỗi ngày, bao gồm virus, vi khuẩn và nấm. Khi cơ thể yếu, là lúc các vi khuẩn tấn công làm viêm mũi họng, thanh quản, viêm nhiễm các đường hô hấp trên và dưới với các biểu hiện là khản tiếng, có khi mất hẳn tiếng.
Đặc biệt, những người thường xuyên hút thuốc hoặc uống rượu nhiều, sau đó bị cảm, dẫn đến viêm thanh quản. Nếu có bội nhiễm nặng, thanh quản càng phù nề, gây khó nuốt, nuốt đau, khó thở... Soi thì thấy dây thanh quản sưng to, phù nề, hoặc có u.
PGS. TS Dinh cảnh báo rằng, nhiều người rất coi thường việc ngạt mũi, sổ mũi, khan tiếng… coi đó là bệnh thông thường, nhưng không biết đó là nguyên cớ của những bệnh nghiêm trọng. 100% bệnh nhân bị bệnh ở thanh quản đều có tiền sử viêm xoang.
Hơn nữa, thanh quản là nơi rất dễ bị bệnh như khi ta nói nhiều (nhất là những người hay phải sử dụng giọng như ca sĩ, giáo viên, người bán hàng) khiến các sợi dây li ti của cơ đứt tạo thành các hạt sùi dây thanh; hoặc các chất dịch tiết, do viêm mũi viêm xoang… chảy xuống họng bám vào dây thanh gây viêm, sùi…
Bình thường nếu được điều trị kịp thời làm xuất tiết khí rung hoặc bấm các cục sùi… bệnh nhân khỏi bệnh sau 3 - 10 ngày.
Song nếu không được điều trị đúng, viêm nhiễm ngày càng phát triển, bệnh tái đi tái lại và biến thành u. Biểu hiện của bệnh là khàn tiếng ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng, có khó thở tăng dần, kèm theo có ho kích thích, ho ra đờm có mùi rất hôi.
Đau - chỉ xuất hiện khi khối u đã lan rộng, nhất là khi khối u đã bị loét. Đau thường lan lên tai và đau nhói lúc nuốt. Đến giai đoạn muộn thì xuất hiện ho khạc đờm nhày lẫn máu, đau vùng cổ, nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở, gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn thân bị suy yếu.
Phát hiện sớm có thể chữa khỏi
Theo TS Dinh, ung thư thanh quản là bệnh thường gặp và đang có chiều hướng gia tăng ở VN. Hiện bệnh chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Chủ yếu hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, ở độ tuổi từ 50-70 (72%), 40-50 tuổi ít hơn (12%).
Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi trở nên nếu khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, cần đi khám xem có phải ung thư thanh quản hay không. Tuy nhiên, bệnh hiện còn gặp nhiều cả ở phụ nữ và nam giới trẻ dưới 30 tuổi. Biểu hiện ở giai đoạn đầu thì u thường khu trú ở một bên dây thanh dưới hình thái một nụ sùi nhỏ hoặc thâm nhiễm nhẹ.
Điều trị phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản toàn phần hoặc một phần khiến cho bệnh nhân trở thành câm. Nếu ung thư thanh quản không được điều trị, bệnh nhân thường chỉ sống kéo dài được một năm hoặc 18 tháng, tử vong thường do ngạt thở cấp tính, biến chứng viêm phế quản phổi, suy kiệt hay chảy máu ồ ạt.
Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi 80%. Vì vậy, khi bị viêm mũi, khan tiếng, nuốt khó… nên đi khám sớm.
(Theo Hà Tường // Thanh niên)