Nhiều bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng nhưng lại được điều trị viêm xoang và ngược lại, khiến bệnh ngày càng nặng và khó chữa hơn.
Viêm mũi, xoang là loại bệnh rất phổ biến với khí hậu Việt Nam, thường phát sinh hoặc nặng lên trong mùa thu đông. Một số sai lầm trong chẩn đoán và điều trị khiến bệnh ít được cải thiện, thậm chí nặng lên.
Các bệnh mũi, xoang dễ bị nhầm với nhau
Bác sĩ Đinh Thi Thu Hương, trưởng khoa Tai mũi họng tổng hợp, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám đã tự nhận mình bị viêm xoang nhưng thực tế, họ chỉ bị viêm mũi dị ứng. Cũng theo bác sĩ Hương, triệu trứng của viêm mũi dị ứng có những biểu hiện ban đầu khá giống viêm xoang: ngứa mũi, nhảy mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, nặng đầu, đau đầu âm ỉ, không tập trung suy nghĩ được. Viêm mũi dị ứng có thể là điểm khởi đầu dẫn đến viêm xoang, dịch ứ đọng, gây tắc nghẹt mũi.
Hình ảnh cấu tạo các xoang.
Khi bị viêm xoang, thông thường bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp sốt cao (nhất là ở trẻ em). Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường là về sáng do trong đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn, gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, thành cơn theo nhịp mạch đập, ấn thấy đau ở phía dưới ổ mắt. Cơn đau có chu kỳ vào khoảng thời gian nhất định trong ngày, thường vào lúc từ 8h tới 11h. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường thấy ngạt, tắc mũi (có thể tắc một hay cả hai bên, mức độ nhẹ hoặc vừa, từng lúc hay liên tục...).
Ở trẻ nhỏ, chứng viêm VA mạn tính quá phát cũng dễ bị nhầm với viêm, mũi xoang. Việc phân biệt hai chứng bệnh này rất khó, bệnh nhân phải được khám nội soi mới có thể phát hiện đúng bệnh.
Nhiều sai lầm trong chữa trị
Một sai lầm phổ biến trong điều trị viêm mũi, xoang là điều trị không triệt để, đặc biệt là đối với những trường hợp triệu chứng không rõ nét. Bệnh nhân nghĩ mình cho là viêm mũi do cảm cúm, điều trị qua loa với vài viên kháng sinh, giảm đau, chống dị ứng. Bệnh có chiều hướng giảm khi ở mức độ nhẹ, nhưng sau đó sẽ tái phát.
Nhiều bệnh nhân theo lời mách, dùng phương pháp xông mũi bằng lá để trị viêm xoang. Theo bác sĩ Hương, phương pháp này không trị tận gốc bệnh mà chỉ có thể làm giảm tắc nghẽn mũi, khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Trong một số trường hợp nhẹ, bệnh có thể khỏi, nhưng không thể dứt điểm.
"Cách điều trị hiệu quả nhất là đến bệnh viện, khám nội soi và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh để tình trạng tái phát nhiều lần thành mạn tính mới đi chữa. Lúc này, việc điều trị sẽ khó khăn và lâu dài hơn", bác sĩ Hương nói.
Việc chẩn đoán nhầm cũng dẫn đến điều trị sai. Nếu bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng thì chỉ cần dùng các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi, các thuốc kháng histamine, thuốc kháng viêm có steroid dạng uống. Đối với viêm xoang nhẹ, cách chữa hiệu quả nhất là súc xoang, rửa xoang, làm sạch mủ bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ nhiều vào mũi cho chảy xuống cổ họng, hoặc xì nhẹ ra là được. Biện pháp này không gây đau và chảy máu, lại rất dễ làm, kết hợp dùng thuốc kháng sinh đúng, đủ liều và đều đặn có thể diệt được vi khuẩn gây bệnh. Nếu vẫn không hiệu quả, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi, nạo vét mủ đọng, chống viêm nhiễm lan tỏa. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, khả năng phục hồi đạt 80%.
Bác sĩ Hương cũng cho biết, Bệnh viêm mũi xoang khá phổ biến ở Việt Nam, mặc dù viêm mũi, xoang có thể chữa dứt điểm nếu điều trị đúng cách, kịp thời nhưng trên thực tế, rất nhiều người chủ quan nên khi đi khám thì đã bị biến chứng do vi khuẩn lan ra xung quanh. Các biến chứng thường gặp là viêm thần kinh thị giác, viêm amiđan, thanh quản, phế quản, rối loạn tiêu hóa. Thậm chí bệnh nhân có thể bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong.
(Theo DV // Bacsi Online )