Con tôi 15 tháng tuổi, bị tróc da đầu ngón tay, ngón chân. Tôi có đưa con đi bác sĩ, bác sĩ nói con tôi bị thiếu vitamin PP. Xin hỏi, vitamin PP có trong loại thức ăn nào? Nếu uống quá liều vitamin PP thì có ảnh hưởng gì không?
HOÀNG ANH (Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Trả lời:
Vitamin PP là tiền chất của hai enzym chủ yếu trong nhiều phản ứng sinh hóa cho phép tổng hợp năng lượng và gen. Đó là vitamin tan trong nước và alcol. Nó bền vững với ôxy hóa, môi trường kiềm cũng như nhiệt độ và ánh sáng. Vitamin PP có trong tất cả các tổ chức, có rất nhiều ở gan. Vitamin PP có trong các loại thức ăn như: nấm, khoai tây, gà, cá ngừ, cá hồi, thịt và cá khác, bánh mì toàn phần...
Vitamin PP tương ứng với hai thành phần khác nhau: Nicotinamid và acid nicotinic. Nicotinamid không độc, do đó không có nguy cơ ngộ độc do quá liều. Nhưng acid nicotinic thường gây ra một số tác dụng phụ như giãn mạch (đỏ cổ, mặt, tay, ngứa). Acid nicotinic cần được sử dụng cẩn thận ở những người bị dị ứng và chống chỉ định trong các trường hợp loét dạ dày hay tá tràng, viêm gan.
Sau đây là liều lượng vitamin PP được khuyên sử dụng cho từng đối tượng:
- Trẻ còn bú : 6mg/ngày; trẻ từ 1-3 tuổi: 9mg/ngày; trẻ từ 4-9 tuổi: 12 mg/ ngày; trẻ từ 10-12 tuổi: 14mg/ngày.
- Thanh niên 13 đến 19 tuổi và người trưởng thành: nam: 18mg/ngày; nữ: 15mg/ ngày. Phụ nữ có thai hay cho con bú: 20 mg/ngày.
(Theo Bác sĩ LƯU THỊ NHẤT PHƯƠNG - (Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ) // Cần Thơ Online)