Tập thể dục thường xuyên giúp phòng chống xơ vữa động mạch.Ảnh: LỆ THU |
Bệnh mạch vành là bệnh lý tim mạch gây đột tử cho người bệnh. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi và có mối liên quan rất lớn đến chế độ ăn uống, sinh hoạt. Bài viết của bác sĩ Tôn Chi Nhân sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh lý xơ vữa động mạch và cách phòng tránh.
Xơ vữa động mạch là do sự tích lũy các chất béo tạo thành các mảng xơ vữa ở lòng động mạch làm hẹp lòng động mạch. Điều này gây cản trở sự lưu thông của máu, gây thiếu máu cung cấp cho các tạng phủ trong cơ thể. Có thể nói một cách dễ hiểu rằng: mảng xơ vữa làm nghẽn mạch máu ở đâu sẽ gây bệnh ở đó. Cụ thể: nghẽn mạch vành dẫn máu nuôi tim sẽ gây nhồi máu cơ tim, đột tử; nghẽn mạch máu ở não gây tai biến mạch máu não, đột quỵ; nghẽn ở động mạch thận thì gây tăng huyết áp; nghẽn ở động mạch chi dưới thì đi lại khó khăn, hoại tử chân...
Xơ vữa động mạch là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở các nước phương Tây. Ở nước ta, bệnh lý này cũng xuất hiện ngày càng nhiều mà trong đó có nguyên nhân do chế độ ăn uống, lối sống. Bệnh thường xuất hiện ở người trong độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nhân trẻ hơn mà nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc lá.
Trong giai đoạn đầu, xơ vữa động mạch thường chưa có triệu chứng rõ ràng. Khi động mạch hẹp dần làm lượng máu cung cấp cho các tạng trong cơ thể bị giảm dần thì các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện. Nếu động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị hẹp dần thì sẽ xuất hiện những cơn đau tức ngực. Khi động mạch vành tắc nghẽn hoàn toàn sẽ xảy ra cơn đau tim đột ngột làm người bệnh đột tử. Nhiều trường hợp đột quỵ ở người già xảy ra do động mạch cung cấp máu cho não bị xơ cứng, hẹp đi. Trường hợp động mạch ở cẳng chân bị xơ vữa thường có triệu chứng đầu tiên là những cơn đau như “chuột rút” do máu cung cấp cho cẳng chân không đầy đủ...
Xơ vữa động mạch có liên quan đến tỷ lệ cholesterol trong máu mà chất này thực tế phụ thuộc vào chế độ ăn uống. Do đó, người có chế độ ăn nhiều chất béo sẽ có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch nhiều hơn. Một số ít bệnh có tính chất di truyền cũng có tỷ lệ chất mỡ cao trong máu (bệnh chất mỡ cao trong máu). Ngoài yếu tố cholesterol trong máu còn có một số yếu tố khác gây xơ vữa mạch vành như: hút thuốc lá, không vận động, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì...
Một số nghiên cứu cho thấy, chất nội tiết tố sinh dục của phụ nữ như oestrogen cũng có tác dụng giúp hạn chế được bệnh xơ vữa động mạch. Theo tài liệu nghiên cứu của Mỹ, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi trước mãn kinh mắc bệnh xơ vữa động mạch thấp hơn nam giới trong cùng độ tuổi. Qua giai đoạn mãn kinh, tỷ lệ mắc bệnh này ở phụ nữ tương đương với nam giới. Một số trường hợp sử dụng nội tiết tố oestrogen để điều trị một số bệnh khác cũng có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch cần được phát hiện, điều trị sớm nhưng giai đoạn đầu bệnh chưa có triệu chứng rõ ràng nên phải qua các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm Doppler, chụp động mạch vành... Trường hợp có sức khỏe tốt nhưng tỷ lệ cholesterol trong máu cao thì vẫn phải ăn theo chế độ ít mỡ kết hợp dùng thuốc hạ cholesterol theo chỉ định của bác sĩ. Một số nghiên cứu cho thấy có thể sử dụng thuốc aspirin để làm giảm các tai biến đông máu ở lớp trong của động mạch bị tổn thương. Trường hợp có thể bị biến chứng nặng có thể điều trị ngoại khoa.
Để phòng bệnh cần phải chú ý đến các nguyên nhân gây bệnh. Nghĩa là cần giảm chất béo trong chế độ ăn uống, không nên hút thuốc lá, tăng cường vận động, tập thể dục buổi sáng. Ngoài ra, người ở độ tuổi trên 40 nên kiểm tra huyết áp, đường huyết, mỡ trong máu, cholesterol, triglyeerid... định kỳ để kiểm soát tình trạng sức khỏe.
(Theo Cần Thơ Online)