Hiện nay tai nạn giao thông, tai nạn lao động xảy ra khá phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng. Phần lớn các trường hợp nạn nhân đều bị rách da, thịt, tổn thương phần mềm. Vậy xử trí như thế nào để bảo đảm yêu cầu?
->> Tổng hợp kiến thức sơ cứu - cấp cứu
Khi bị tai nạn, vùng da thịt có thể bị rách; nếu tổn thương sâu hơn thì cả mạch máu và thần kinh cũng bị đứt. Vết thương làm cho nạn nhân đau đớn, chảy máu và nhiễm trùng. Nếu vết thương làm đứt các mạch máu lớn hay thương tổn tim sẽ gây nên chảy máu ồ ạt và dẫn đến tử vong.
Đối diện với các trường hợp bị tai nạn, cần xem nạn nhân có bị mất máu do vết thương hay không. Nếu thấy nạn nhân bị chảy máu nhiều, phải thực hiện những việc làm cần thiết sau đây:
- Nâng chỗ bị thương lên cao hơn những phần khác của cơ thể;
- Đặt lên vết thương một miếng vải sạch và ấn mạnh để cầm máu;
- Ấn mạnh trong thời gian vài phút rồi mở ra xem máu có còn tiếp tục chảy ra hay không;
- Nếu máu còn chảy ra, cần phải tiếp tục ấn mạnh lại như trên cũng trong thời gian vài phút rồi mở ra kiểm tra lại;
- Nếu máu vẫn còn tiếp tục chảy, dùng băng băng chặt chỗ bị chảy máu;
- Nếu máu cứ chảy thấm quanh băng thì băng tiếp một băng thứ hai lên băng thứ nhất;
- Khi máu đã cầm mà nạn nhân bị mệt lả, kiệt sức thì cho uống thêm nước pha đường;
- Nạn nhân vẫn mệt lả, kiệt sức cần chuyển ngay đến bệnh viện nơi gần nhất để được tiếp tục theo dõi, điều trị và chữa vết thương.
Đối với các trường hợp vết thương không bị chảy máu cũng cần đến cơ sở y tế để chữa vết thương.
Ngoài việc xử trí vết thương phần mềm ban đầu như trên, cần kiểm tra phát hiện xem nạn nhân có thêm những biểu hiện gì trầm trọng không như gãy xương, bị thương tổn ở đầu, ngực, bụng... Nếu ghi nhận những dấu hiệu trầm trọng, phải tìm mọi cách chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện nơi gần nhất, thuận tiên nhất để kịp thời điều trị phù hợp.
(Theo TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh // Dân trí)