Từ khi loài người biết đứng thẳng lưng trên đôi chân, hai tay được giải phóng để thực hiện biết bao điều kỳ diệu, khớp vai cũng phát triển và cho phép một tầm độ hoạt động rất rộng trong nhiều chiều không gian: đưa lên cao, đưa ra trước, kéo ra sau, dang, áp, xoay và những cử động phối hợp linh hoạt như khi ta gãi lưng, gác tay lên trán, bơi lội, chơi bóng chuyền, quần vợt, bóng rổ…
Tất cả các động tác linh hoạt đó của một khớp vai vững đều nhờ một hệ thống kết nối cánh tay và đai vai toàn gân cơ, bao khớp, dây chằng. Tầm độ hoạt động khớp vai trong một giới hạn cho phép khá rộng, đủ cho các sinh hoạt, lao động và các tư thế phức tạp của thể dục, thể thao.
Trật khớp vai, cơn đau dữ dội
Biên độ hoạt động của khớp vai rộng cũng là yếu tố làm khớp vai dễ bị tổn thương, đặc biệt dễ trật khớp vai khi vận động quá mức. Đa số ca khớp vai bị trật ra trước, một số trật ra sau hay xuống dưới. Bệnh nhân bị đau dữ dội, vai mất cử động, biến dạng ổ khớp vai, gù vai… đôi khi kèm theo yếu cơ, tê tay. Bầm máu, sưng khớp và co rút cơ quanh khớp vai xảy ra chậm hơn. Bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp điều trị sớm bằng cách kéo nắn lại khớp vai thông qua các thủ thuật thích hợp, nhẹ nhàng tại chỗ xảy ra tai nạn. Ngay khi nắn vào, bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu, hết đau. Nẹp vai cánh cẳng tay bất động khớp vai được cho đeo vài tuần chờ lành bao khớp và hết tiến trình viêm phần mềm quanh ổ khớp sau chấn thương.
Bệnh nhân cần phải tập luyện phục hồi chức năng khớp vai tích cực, sau khi kéo nắn vào cho đến khi phục hồi hoàn toàn khớp vai. Kỹ thuật viên phục hồi chức năng sẽ giúp tập các cơ quanh khớp vai, đặc biệt nhóm gân cơ chỏm xoay. Có thể tập với sự trợ giúp của các trợ cụ, máy tập vai. Mục tiêu điều trị trước mắt là tái lập biên độ hoạt động khớp vai, còn lâu dài là phòng ngừa chứng trật khớp tái hồi, khó điều trị bảo tồn. Phẫu thuật có chỉ định thực hiện trong các ca trật khớp vai tái hồi, giúp khớp vai vững, lấy lại tầm độ hoạt động bình thường. Khuynh hướng hiện nay phẫu thuật nội soi được thực hiện nhiều hơn. Sự trở lại sinh hoạt, vận động bình thường phải đợi đến khi bao khớp, dây chằng đã lành và sức cơ quanh khớp vai đủ mạnh, cho phép các tầm độ hoạt động khớp vai an toàn, phù hợp với môn thể thao hay khả năng vận động như trước khi bị trật khớp. Nếu không thể thích ứng lại với các môn thể thao quá sức với khớp vai, người chơi nên chọn môn thể thao khác phù hợp để tránh tổn thương khớp vai lần nữa.
Chỏm xoay khớp vai rất dễ rách
“Những người lạm dụng các cử động giơ tay cao khỏi đầu, lặp đi lặp lại như chơi quần vợt, cử tạ, bóng chuyền và người làm những công việc khiêng xách nặng nề rất dễ bị rách chỏm xoay khớp vai” |
Rách chỏm xoay là một tổn thương thường thấy của khớp vai. Tổn thương này gây ra đau khớp vai. Rách chỏm xoay khớp vai có thể xảy ra thình lình sau một chấn thương mà lực tác động lên các cơ quá mạnh hay xảy ra dần dần sau nhiều hoạt động giơ cao tay khỏi đầu lặp đi lặp lại, đặc biệt nơi những vận động viên sau 40 tuổi. Những người có nguy cơ thường là những người lạm dụng các cử động giơ tay cao khỏi đầu lặp đi lặp lại như vận động viên bóng chày, quần vợt, vũ cầu, cử tạ, bóng chuyền, chèo thuyền… hay chấn thương nghề nghiệp như: sơn nhà hay những công việc khiêng xách nặng nề… Triệu chứng chủ quan (do bệnh nhân nghiệm thấy) hay khách quan (do bác sĩ thăm khám) khi bị rách chỏm xoay thường là đau liên tục tái đi tái lại, đặc biệt với những động tác với tay quá đầu; đau ban đêm nhiều khi làm mất ngủ, nhất là khi lăn đè phía bên tổn thương; cơ bị yếu hẳn, nhất là khi muốn nhấc tay lên cao; khi cử động cánh tay thì nghe tiếng kêu cọt kẹt, rắc rắc, kẹt khớp vai. Cử động khớp vai bị giới hạn. Tổn thương thường xảy ra phía bên tay thuận và có thể do một chấn thương đặc biệt hay kèm trật khớp vai.
Việc điều trị thông thường cho rách chỏm xoay bao gồm cho khớp vai nghỉ ngơi, đắp lạnh và đắp nóng. Dùng băng treo tay để bất động khớp vai. Khi đã lành nơi rách, phải tập mạnh và căng dãn dần dần khớp vai với sự giám sát chặt chẽ của kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Dùng thuốc kháng viêm không corticoides. Cũng có thể điều trị bằng siêu âm chống đau, đôi khi dùng corticoides dạng chích vào khớp vai. Khi chỏm xoay được chẩn đoán rách hoàn toàn hay khi điều trị bảo tồn như trên không hiệu quả thì phẫu thuật được đặt ra để may lại dải gân rách. Sau phẫu thuật, việc tập mạnh cơ và gia tăng tầm độ hoạt động khớp vai rất quan trọng. Phải tăng dần cường độ tập luyện, đòi hỏi thời gian tập khoảng hơn sáu tháng mới giúp khớp vai trở lại hoạt động bình thường. Biện pháp tốt nhất phòng ngừa tổn thương rách chỏm xoay là tránh những động tác lặp đi lặp lại với cánh tay giơ cao quá khớp vai, đặc biệt khi động tác này gây đau. Nếu không thể tránh được thì phải học cách thích ứng vận động khớp vai khi khiêng xách vật nặng sao cho vai ít bị căng dãn nhất.
(Theo PGS.TS.BS Võ Văn Thành // SGTT Online)
Đau khuỷu ở người chơi quần vợt Tuy bệnh thường thấy ở người chơi quần vợt nhưng thực tế điều trị cũng gặp rất nhiều người không chơi vẫn mắc phải bệnh này. Bệnh nhân đau ở phía ngoài khuỷu, đầu dưới cánh tay nơi gọi là lồi cầu ngoài xương cánh tay. Đây là nơi bám dải gân của một nhóm lớn hàng chục cơ duỗi cổ bàn tay, ngón tay. Việc sử dụng quá mức hay sự đánh trả bóng bằng cú tạt ngang khuỷu “rờ ve”, lặp đi lặp lại khiến các dải gân này bị rách nhỏ kiểu vi chấn thương. Sự chịu lực của bóng lên mặt vợt càng khiến chấn thương trầm trọng thêm. Hiện tượng này gây ra tiến trình viêm cấp tính đến mạn tính và gây đau lồi cầu ngoài. Đau khi chơi bóng lại, đến nỗi không cử động sinh hoạt bình thường được. Khám lâm sàng thường đủ để chẩn đoán, hiếm khi cần đến X-quang. Để phòng tránh chứng đau lồi cầu ngoài của khuỷu tay, người chơi quần vợt phải luôn luôn khởi động tốt trước khi chơi, căng dãn nhẹ nhàng cơ gân vùng khuỷu và cánh bàn tay trước khi thi đấu. Chọn vợt có tay nắm và trọng lượng vừa với tay nắm và sức của người chơi. Căng dãn mặt vợt đúng mức, không căng quá hay chùng quá. Không quá ham banh quên đi sự tới hạn của sức khoẻ và tuổi tác… Việc điều trị, cho cả bệnh nhân không chơi quần vợt, bao gồm nghỉ ngơi (cho khớp khuỷu nghỉ như không chơi bóng, không sử dụng sức tác động lên khuỷu); băng ép vùng cơ trên dưới khuỷu bằng băng thu dãn thích hợp; tránh thao tác gây ảnh hưởng căng dãn gân cơ thêm vùng khuỷu; dùng thuốc giảm đau, kháng viêm không phải corticoides. Tránh lạm dụng chích thuốc corticoides tại chỗ, khi thấy hết sức cần thiết chích tại chỗ thì phải áp dụng đúng chỉ định và kỹ thuật tốt, nếu không sẽ bị biến chứng teo cơ, teo da, đứt dây chằng và thành đau mạn tính khó điều trị hơn. |