Ngành công nghiệp và thị trường ôtô Việt Nam đã trải qua một năm đầy sóng gió - Ảnh: Đức Thọ. |
Ngành công nghiệp và thị trường ôtô Việt Nam đã trải qua một năm đầy sóng gió, “nội công” có, “ngoại kích” cũng có. Cả các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước lẫn các nhà nhập khẩu đều phải đối mặt hàng loạt khó khăn.
VnEconomy điểm lại 9 “cú sốc” lớn đối với ngành ôtô Việt Nam trong suốt một năm qua. Các sự kiện, vấn đề được sắp xếp theo thứ tự thời gian.
“Cú sốc” từ tỷ giá
Ngay từ đầu năm, thị trường ôtô Việt Nam đã vấp phải một cú sốc mạnh do tỷ giá giữa USD và VND bị điều chỉnh tăng cao.
Cụ thể, ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND, từ 18.932 VND lên 20.693 VND (tăng 9,3%), cùng với đó là thu hẹp biên độ áp dụng cho tỷ giá của các ngân hàng thương mại từ +/-3% xuống còn +/-1%. Kể từ đó đến nay, tỷ giá giữa hai đồng tiền này vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm xuống.
Động thái này sau đó đã khiến giá ôtô tại thị trường Việt Nam bị đội lên mạnh mẽ. Lần lượt các nhà cung cấp ôtô tiến hành điều chỉnh tăng giá bán lẻ xung quanh mức 4%, những loại xe cỡ lớn, xe hạng sang thậm chí tăng giá đến 7-8%. Hệ quả khó tránh khỏi là thị trường ôtô Việt Nam, kể cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu, bắt đầu đi theo chiều hướng suy giảm mạnh. Và đây được xem như dấu hiệu cho một năm đầy sóng gió.
Tăng mạnh thuế và giá tính thuế xe nhập khẩu
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã có hai lần điều chỉnh các mức giá tính thuế đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu loại mới và đã qua sử dụng.
Lần đầu tiên là vào tháng 1, cơ quan này tiến hành tăng giá tính thuế với mức cao lên đến hàng nghìn USD/chiếc. Đến cuối tháng 5, một đợt tăng giá tính thuế nữa được áp dụng ở mức tương tự, đặc biệt là các loại xe hạng sang. Đây là động thái được Tổng cục Hải quan thực hiện nhằm mục tiêu “làm sạch” thị trường ôtô nhập khẩu sau nhiều lần nhận được văn bản nêu lên tình trạng gian lận thương mại qua giá.
Cùng với đó, mặt hàng ôtô đã qua nhập khẩu cũng chịu một sức ép lớn từ quyết định tăng mạnh thuế do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký vào cuối tháng 6. Theo quyết định này, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô cũ được tính theo 2 cách khác nhau với các mức khác nhau tùy theo số chỗ ngồi và dung tích xi-lanh.
Trong đó, ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi loại có dung tích xi-lanh dưới 1.0 lít sẽ có mức thuế tuyệt đối là 3.500 USD, loại có dung tích xi-lanh từ 1.0 lít đến dưới 1.5 lít có mức thuế tuyệt đối là 8.000 USD. Đối với mặt hàng ôtô chở người từ 10 - 15 chỗ ngồi loại có dung tích xi-lanh từ 2.0 lít trở xuống sẽ được áp mức thuế tuyệt đối 9.500 USD. Loại có dung tích xi-lanh trên 2.0 lít đến 3.0 lít có mức thuế 13.000 USD. Mức thuế tuyệt đối 17.000 USD được áp dụng với xe có dung tích xi-lanh trên 3.0 lít. Đáng chú ý là theo cách tính thuế mới, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô cũ loại dung tích xi-lanh lớn thậm chí vượt mức 100%.
Toyota cắt giảm mạnh sản xuất và thu hồi xe số lượng lớn
Thảm họa kép động đất và sóng thần tại Nhật Bản hồi giữa năm đã khiến ngành công nghiệp ôtô nước này rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới Toyota có thời điểm bị tụt xuống thứ 3 về sản lượng.
Tại Việt Nam, Toyota cũng đã phải tiến hành cắt giảm đến 70% sản lượng do thiếu hụt trầm trọng nguồn linh kiện, phụ tùng và tập trung nguồn lực cho tập đoàn. Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 5/2011 (tức một tháng sau khi quyết định cắt giảm sản xuất), sản lượng bán hàng của Toyota Việt Nam đã tụt xuống con số 1.450 chiếc, chưa bằng một nửa so với tháng đầu năm là 3.057 chiếc.
Việc hãng xe có doanh số lớn nhất thị trường bị sụt giảm sản lượng đến quá nửa đã góp phần khiến không khí thị trường thêm ảm đạm. Đó là chưa kể bên cạnh Toyota, một số liên doanh Nhật Bản khác như Honda, Suzuki, Mitsubishi… cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Trong khi hoạt động thu hồi xe do gặp lỗi vẫn còn hiếm gặp tại Việt Nam thì năm qua, Toyota cũng là điển hình khi liên tiếp tiến hành các đợt triệu hồi. Tổng cộng trong năm 2011, hãng xe chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam đã tiến hành triệu hồi gần 10.000 chiếc các loại.
“Đóng cửa” ôtô nhập khẩu không chính thức
Tính đến nay, ngoại trừ các liên doanh thuộc VAMA tham gia nhập khẩu, số lượng các nhà nhập khẩu và phân phối ôtô chính hãng tại Việt Nam vẫn chưa vượt qua số ngón trên hai bàn tay của một người. Trong nhiều năm, thị trường ôtô nhập khẩu vốn bị thao túng bởi đội ngũ hùng hậu các doanh nghiệp thương mại.
Tuy nhiên, giữa tháng 5/2011, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 20 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống với hàng loạt giấy tờ được xem là “đánh đố” doanh nghiệp và có hiệu lực thi hành từ ngày 26/6. Đây là một cú sốc nặng với thị trường ôtô nhập khẩu.
Với sự “mất tăm” của hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, gần như ngay lập tức, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc sụt giảm mạnh mẽ. Tại thời điểm tháng 8/2011, kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc đã chạm mức đáy kỷ lục trong vòng hơn hai năm trở lại đây khi chỉ đạt 3.000 chiếc về lượng và 79 triệu USD về giá trị.
Theo đánh giá, Thông tư 20 của Bộ Công Thương được xem là một hàng rào kín kẽ nhằm ngăn chặn các loại ôtô nhập khẩu không chính hãng, từ đó lành mạnh hóa thị trường ôtô nhập khẩu, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo lợi ích chính đáng của khách hàng, góp phần hạn chế nhập siêu.
Đề xuất phí quyền mua gấp 10 lần giá xe
Ngày 31/5/2011, Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) đã tạo nên một “cú sốc” thật sự bất ngờ khi đề xuất lên Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về loại phí quyền mua ôtô con.
Đáng chú ý là trong các mức phí đề xuất (thấp nhất là 100% giá xe) có mức phí cao nhất gấp đến 10 lần giá xe. Liên quan đến loại phí này, VnEconomy đã lấy ví dụ đối với chiếc xe Porsche 911 Carrera GTS do công ty PSC phân phối chính thức tại Việt Nam. Tại thời điểm đề xuất, giá bán lẻ của Porsche 911 Carrera GTS là 6 tỷ đồng. Theo đó, để có-quyền-mua nó, người tiêu dùng sẽ phải chi thêm 60 tỷ đồng trước khi cộng thêm 6 tỷ vào giá xe nữa. Tổng cộng số tiền người tiêu dùng phải chi để mua chiếc xe này (nếu đề xuất trên được thực hiện) là 66 tỷ đồng.
Rắc rối linh kiện nhập khẩu
Tháng 4/2011, cơ quan Hải quan đã tiến hành ấn định số thuế lên đến hơn 3.300 tỷ đồng đối với hai liên doanh Honda và Ford do các lô hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu không đủ điều kiện về mức độ rời rạc để tính thuế cho từng linh kiện chi tiết. Đây là số thuế chênh lệch giữa các mức thuế suất khác nhau đối với bộ linh kiện và linh kiện rời rạc nhập khẩu quy định tại Thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính.
Điểm khó xử là đối với trường hợp này, các bộ liên quan như Tài chính, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ đã phải ngồi lại với nhau song vẫn không tìm được giải pháp triệt để. Từ đó, Bộ Tài chính đã phải đưa ra hướng giải quyết tạm thời nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất là tạm thời chưa truy thu thuế trong khi chờ Thủ tướng quyết định.
Điểm rắc rối là ở chỗ, theo đánh giá của Bộ Tài chính thì sở dĩ xảy ra trường hợp này là do nhiều quy định tại Quyết định 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã lỗi thời so với công nghệ ôtô hiện tại. Do đó, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sửa nhiều quy định tại Quyết định 05 để phù hợp hơn với thực tế.
Cũng liên quan đến yếu tố đảm bảo độ rời rạc đối với linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu là trường hợp Hyundai Thành Công được phép nhập khẩu 5.000 bộ linh kiện có mức độ rời rạc khác với quy định, trong đó đáng chú ý là phần thân xe đã được hàn và sơn tĩnh điện trước khi nhập khẩu. Điều khiến nhiều ý kiến phản đối là số bộ linh kiện này được phép nhập khẩu để chạy thử dây chuyền song khi lắp xong, Hyundai Thành Công đã bán một số xe lắp ráp (thử) hoàn chỉnh ra thị trường. Sau đó, VAMA đã có văn bản cho rằng trường hợp Hyundai Thành Công sẽ tạo tiền lệ không tốt, gây ảnh hưởng đến chủ trương thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và tạo sự bất công giữa các nhà sản xuất ôtô với nhau.
Tăng kịch trần phí và lệ phí
Tháng cuối cùng của năm, lại một “cú sốc” nữa khiến thị trường ôtô nổi cơn sóng gió. Cùng lúc, Hội đồng Nhân dân hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM đã ra nghị quyết thông qua mức tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu lên mức 20% và 15%, tại Hà Nội thêm lệ phí đăng ký biển số tăng 10 lần lên mức 20 triệu đồng.
Đối với mặt hàng ôtô, đây là sắc thuế có sức tác động lớn nhất lên tổng số tiền mỗi khách hàng chi ra khi mua một chiếc xe. Bởi lẽ, lệ phí trước bạ được tính trên tổng các loại giá thành sản phẩm và các loại thuế cộng lại và chỉ tính trước khi đăng ký biển số. Chẳng hạn với chiếc Ford Fiesta 1.4 lít bản sedan số sàn có giá bán 519 triệu đồng, nếu kịp đăng ký trong tháng 12/2011 khách hàng sẽ chỉ phải chi số tiền lệ phí 64,28 triệu đồng trong khi nếu không kịp, số tiền đó sẽ là 123,8 triệu đồng.
Do đó, như ngay lập tức, thị trường ôtô tại hai địa phương này “phát sốt”. Tại thời điểm ngày 28/12, không khí tại các đại lý ôtô và các điểm đăng ký xe, không khí tranh thủ mua xe “chạy” lệ phí vẫn rất nhộn nhịp. Thậm chí theo nhiều khách hàng, khả năng không kịp “chạy” lệ phí trước thời điểm 1/1/2012 là hoàn toàn có thể xảy ra với nhiều người và chính bản thân họ.
Thậm chí trước khi bài viết này lên trang, phó tổng biên tập một tờ báo lớn tại Hà Nội đã gọi điện cho phóng viên VnEconomy “kêu” về trường hợp ông đã ký hợp đồng, đặt cọc mua một chiếc xe Toyota nhưng không được đại lý giao xe theo đúng cam kết ghi trong hợp đồng.
Đìu hiu các kỳ triển lãm
Ngày khai mạc Vietnam Motor Show 2011, tổng giám đốc một hãng xe lớn tại Việt Nam đã tỏ ra sốc vì quy mô quá nhỏ của một sự kiện triển lãm ôtô lớn nhất tại một đất nước. Triển lãm năm 2011 chỉ có vẻn vẹn 6 hãng xe thuộc VAMA tham gia, ít hơn 5 so với kỳ triển lãm liền trước.
Dù đã rất cố gắng thiết kế các chương trình trình diễn nghệ thuật, marketing song với sự rút lui của gần một nửa số hãng xe, Vietnam Motor Show 2011 vẫn diễn ra trong không khí nghèo nàn và đáng thất vọng.
Trước đó, các kỳ triển lãm ôtô khác như AutoExpo, Auto Petrol thậm chí còn èo uột hơn nhiều khi hầu như chỉ có sự góp mặt của một số doanh nghiệp nhập khẩu, cung cấp dịch vụ đồ chơi xe hơi.
Theo phản hồi từ các hãng xe, chính vì quy mô quá nhỏ của các kỳ triễn lãm đã khiến hiệu quả truyền thông và marketing của họ không đạt hiệu quả. Do vậy, việc các hãng xe lần lượt rút lui để dành kinh phí cho các hoạt động khác là khó tránh khỏi.
Sau các kỳ triển lãm đìu hiu, nhiều hãng xe đã đề xuất nên tổ chức một triển lãm chung với sự góp mặt của tất cả các nhà sản xuất ôtô trong nước lẫn các nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng. Ý tưởng này cũng trùng hợp với một đề xuất sau đó của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về việc thành lập một hiệp hội ôtô chung, qua đó thúc đẩy phát triển thị trường và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Thị trường ảm đạm
“Nội công, ngoại kích”, khó khăn chồng chất khiến thị trường ôtô Việt Nam năm qua bị sụt giảm mạnh.
Theo thống kê của VAMA, tổng sản lượng bán hàng của 17 hãng xe thành viên tháng 11 chỉ đạt 8.773 chiếc, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết 11 tháng, tổng sản lượng bán hàng của VAMA đạt 98.709 chiếc, giảm 1% so với cùng kỳ.
Tại thị trường xe nhập, như đã nhắc đến ở phần trên, do gặp nhiều khó khăn mà đặc biệt là Thông tư 20 nên nhiều thời điểm kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc lập đáy trong vòng hơn 2 năm trở lại đây. Dù vậy, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ước tính cả năm 2011 tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc vẫn đạt 55.000 chiếc về lượng và 1,02 tỷ USD về giá trị, tương đương mức kim ngạch năm 2010.
(Theo Vneconomy)