Theo như thông báo của VAMA, nhiều hãng xe đang phải thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng do tồn kho đang ở mức quá cao - Ảnh: Đức Thọ. |
“Nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con, dự báo nguồn thu từ thuế của Nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng trong năm 2012”, do sự sụt giảm mạnh của thị trường ôtô.
Đó là một cảnh báo đáng chú ý mới đây từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Theo thống kê của cơ quan này, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng lượng ôtô tiêu thụ trên toàn thị trường bao gồm cả xe lắp ráp trong nước (CKD) và nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) do các doanh nghiệp cả trong và ngoài VAMA cung cấp đã sụt giảm đến 21.331 xe so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 4/2012 , sản lượng bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt 6.982 xe, giảm 24% so với tháng liền trước và 46% so với tháng 4/2011.
Trong bối cảnh đó, VAMA lo ngại rằng tổng dung lượng thị trường ôtô Việt Nam năm nay sẽ quay trở về tương đương mức sản lượng 81.000 xe của năm 2007. Tại một cuộc họp hồi đầu năm, các thành viên VAMA đã thống nhất tổng sản lượng cho năm 2012 vào khoảng 140.000 xe. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường được dự báo sẽ giảm xuống chỉ còn 100.000 xe.
Với sự sụt giảm đáng báo động ấy, số thuế thất thu từ ôtô lên đến 60.000 tỷ đồng là kết quả được VAMA tính toán dựa trên kinh nghiệm bản thân “về xuất xứ ôtô, linh kiện nhập khẩu từ các nước ASEAN và ngoài ASEAN, tỷ lệ xe con và xe tải, tỷ lệ bình quân của thuế nhập khẩu ở mức 5%, thuế tiêu thụ đặc biệt 30%, thuế giá trị gia tăng 10% và lệ phí trước bạ 10%”.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã thừa nhận một thực tế là chỉ riêng kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 4 tháng đầu năm giảm mạnh đã kéo tụt thu ngân sách nhà nước. Bởi lẽ, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu thường chịu tác động từ một số nhóm mặt hàng chính, có kim ngạch lớn, thuế suất cao như: dầu thô, than đá, xăng dầu và ôtô nguyên chiếc, linh kiện ôtô, xe máy nguyên chiếc.
Cũng theo VAMA, thị trường ôtô hiện đang rất khó khăn do sức mua ngày càng yếu ớt. Nếu như mức lệ phí trước bạ quá cao tại Hà Nội (20%) và Tp.HCM (15%) đã và đang khiến thị trường liên tiếp tụt dốc thì đặc biệt, mức phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân cũng thuộc dạng “khủng” được cho là “sẽ ban hành” càng đẩy thị trường ôtô vào tình thế nguy nan.
“Thị trường đang bị đóng băng vì người tiêu dùng lo lắng phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và sẽ tiếp tục tụt dốc nếu Chính phủ không tuyên bố rõ ràng việc hủy bỏ loại phí này”, VAMA quan ngại.
Thực tế cho thấy những mối lo trên là hoàn toàn có cơ sở. Bởi trong suốt quãng thời gian kể từ khi lệ phí trước bạ điều chỉnh, thị trường có dấu hiệu đi xuống do kinh tế khó khăn và khả năng áp các loại phí mới, hầu hết các hãng xe dù trong hay ngoài VAMA đều đã liên tiếp tung “đòn” kích cầu, từ giảm giá đến hỗ trợ lệ phí trước bạ, từ tặng quà khuyến mại giá trị lớn đến tổ chức du lịch nước ngoài miễn phí cho khách hàng, thị trường vẫn cứ tụt dốc thảm hại.
Những nỗ lực kích cầu dường như muối bỏ bể. Thời điểm này, theo như thông báo của VAMA, nhiều hãng xe đang phải thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng do tồn kho đang ở mức quá cao. Mới đây, đại diện một số thành viên VAMA cũng đã tiết lộ về tình trạng buộc phải ngừng sản xuất xen kẽ.
Hiện tại, điều khiến các doanh nghiệp ôtô lo lắng nhất là khả năng áp dụng thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Theo tính toán của VAMA, nếu áp dụng phí, thị trường ôtô Việt Nam năm 2012 sẽ giảm đến 38.000 xe so với năm ngoái.
Đáng chú ý là việc thu phí sẽ làm tăng đáng kể khoảng cách về tốc độ tăng trưởng của thị trường trong suốt giai đoạn từ 2012 - 2020.
Chẳng hạn, nếu không thu phí, thị trường năm nay sẽ đạt khoảng 140.000 xe và đến năm 2020 đạt khoảng 402.000 xe. Còn nếu thu phí, thị trường năm nay sẽ ở mức 100.000 xe và đến năm 2020 là 179.000 xe. Khoảng cách này, theo như bài toán của VAMA nêu ở phần đầu bài viết, sẽ dẫn đến khả năng thất thu thuế từ ôtô rất lớn.
(Theo Vneconomy)