Những ngày này, sức mua xe máy trên thị trường cũng chưa cho thấy sự cải thiện - Ảnh: Đức Thọ. |
Không đơn thuần chỉ là những con số, các thống kê cho năm 2011 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây đã cho thấy nhiều “ẩn ý” về tương lai của thị trường và ngành công nghiệp xe máy Việt Nam.
Vốn không phải chịu nhiều sức ép như ôtô nhưng thị trường xe máy năm vừa qua lại ảm đạm bất ngờ. Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp xe máy đã tung ra nhiều chương trình marketing rầm rộ kèm theo nhiều dòng sản phẩm mới được ra mắt. Tuy nhiên, càng về cuối năm, không khí càng chùng xuống.
Ở mảng nhập khẩu, năm 2011 đã chứng kiến sự mất hút của nhiều thương hiệu. Nếu như năm 2010, những Ducati, Kawasaki, CPI hay Harley Davidson… nổi đình nổi đám trên thị trường thì năm 2011, dường như chỉ còn cái tên Rebel USA được biết đến nhiều nhất.
Sự ảm đạm của thị trường cũng đã được chứng minh khá rõ qua các con số thông kê. So với năm 2010, kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc năm 2011 đã giảm mạnh toàn diện cả về lượng lẫn giá trị.
Cụ thể trong năm vừa qua, Tổng cục Thống kê ước tính tổng lượng xe máy nhập khẩu chỉ đạt 66.000 chiếc, tương ứng với giá trị kim ngạch 94 triệu USD, giảm đến 38,9% về lượng và 27,8% về giá trị.
Tính riêng trong tháng cuối cùng của năm 2011 chỉ có 3.000 xe máy nguyên chiếc được nhập khẩu về nước, đạt giá trị kim ngạch 5 triệu USD, giảm 1.000 chiếc về lượng và 1 triệu USD về giá trị so với tháng liền trước.
Như vậy, trái với xu hướng tăng cao vào các tháng cuối năm của nhiều năm trước, kim ngạch nhập khẩu xe máy các tháng cuối năm 2011 lại giảm khá mạnh. Điều này phản ánh một thực tế là thị trường xe máy Việt Nam đang chững lại khi được đánh giá là đã bắt đầu tiệm cận ngưỡng bão hòa.
Việc kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc giảm mạnh cũng dễ hiểu khi phải đối mặt với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đồng thời chịu sức ép lớn từ các loại xe sản xuất trong nước.
Có thể thấy rằng 2011 là năm khá bận rộn của các nhà sản xuất xe máy trong nước. Hàng loạt dự án xây dựng mới nhà máy hay mở rộng sản xuất được các liên doanh lớn như Honda, Piaggio, Yamaha, Suzuki… lần lượt công bố. Cùng với đó, sản lượng xe máy xuất xưởng cũng liên tục tăng cao.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, năm vừa qua, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp xe máy Việt Nam đã tăng đến 19,6% so với năm trước đó. Cùng lúc, chỉ số tiêu thụ cũng đạt mức tăng trưởng 17,3%.
Cơ bản, hai chỉ số này cho thấy tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp xe máy. Một mặt, các nhà sản xuất (chủ yếu là liên doanh) đánh giá cao tương lai của mình tại Việt Nam, minh chứng rõ nét là các dự án mới được công bố và thực hiện ngay trong năm. Mặt khác, thị trường xe máy Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn, qua đó có thể trở thành một điểm tựa để xuất khẩu sang thị trường khu vực, trong đó Piaggio là một điển hình.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu mừng kể trên cũng có một nỗi lo về khả năng dư thừa trong thời gian tới.
Như đã nhắc đến ở trên, năm 2011 thị trường xe máy Việt Nam đã gặp không ít khó khăn. Đối với xe sản xuất trong nước, mặc dù cả sản lượng lẫn tiêu thụ đều tăng khá mạnh so với năm liền trước song khi đặt cạnh chỉ số tồn kho thì nỗi lo đã hiện rõ.
Cụ thể, năm 2011 chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp xe máy đã tăng đến 41,7% so với năm 2010, tức tăng cao hơn gấp đôi so với mức tăng của chỉ số sản xuất và tiêu thụ. Điều này cho thấy, sức mua của thị trường đang thụt lùi dần so với tốc độ tăng trường sản xuất. Và nếu chiến lược xuất khẩu không sớm được cụ thể hóa thì ngành công nghiệp xe máy vấp phải một thời kỳ đình trệ, lãng phí tiềm năng là một hiện thực.
Trong một bài viết trước đây, VnEconomy từng đưa ra cảnh báo về nguy cơ cung vượt xa cầu của ngành xe máy khi nhiều khả năng thị trường sẽ bão hòa sớm hơn so với dự báo.
Chẳng hạn, Bộ Công Thương từng tính toán vào năm 2020 số xe máy lưu hành trên cả nước sẽ đạt khoảng 33,5 triệu chiếc, dân số đạt khoảng 99,6 triệu người, đưa tỷ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe. Tại Thái Lan, tỷ lệ này hiện là 2,9 và đã đạt mức bão hòa. Hay như dự báo của GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách Quốc gia Nhật Bản, khi lượng xe máy tại Việt Nam đạt tới con số 30 triệu chiếc, thị trường sẽ bão hòa. Thời điểm này dự tính sẽ rơi vào những năm 2017-2020.
Tuy nhiên, theo một thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến tháng 8/2011, lượng xe máy đăng ký lưu hành đã đạt mức 33,4 triệu chiếc. Đối chiếu với các tính toán trên thì thực tế thị trường xe máy Việt Nam ngay từ thời điểm này đã chạm ngưỡng bão hòa.
Những ngày này, sức mua xe máy trên thị trường cũng chưa cho thấy sự cải thiện. Mặc dù khoảng thời gian đến Tết nguyên đán chỉ còn đúng 3 tuần song lượng khách hàng tìm đến hệ thống đại lý vẫn khá ít ỏi cho dù giá xe đã giảm đi khá nhiều. Các năm trước, đây chính là quãng thời gian tranh mua, tranh bán và tăng giá vùn vụt của xe máy.
Kim ngạch nhập khẩu xe máy nguyên chiếc 4 tháng gần đây | ||
Lượng (chiếc) | Giá trị (triệu USD) | |
Tháng 8/2011 | 5.900 | 8 |
Tháng 9/2011 | 5.000 | 7 |
Tháng 10/2011 | 4.000 | 7 |
Tháng 11/2011 | 4.000 | 6 |
Tháng 12/2011 (ước tính) | 3.000 | 5 |
Cả năm 2011 (ước tính) | 66.000 | 94 |
Năm 2011 so với 2010 | 69,1% | 76,2% |
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
(Theo Vneconomy)