Sự thật là kính xịn hàng trăm USD cũng chẳng có tác dụng hơn nhiều kính vài chục đôla và hầu hết số tiền này cũng chỉ để nuôi béo nhà sản xuất.
"Kính Prada hay Bulgari 500 USD, "tầm tầm" hơn như Ray-Ban hay REVO vài trăm USD, nên mua cái nào cho chuyến du lịch sắp tới đây?", nhiều tín đồ hàng hiệu đau đầu chọn lựa mà không biết sự thật đằng sau cái giá họ sắp bỏ ra.
Số tiền bỏ ra để mua kính hàng hiệu hầu hết là phí mua thương hiệu của sản phẩm đó.
Tờ Wall Street Journal đã chỉ ra một sự thật đắng chát mà khách hàng nên biết là hầu hết các nhãn hiệu kính xịn nhất thế giới đều từ một lò mà ra. Nhiều người mơ ước sở hữu kính Oakley dù đang dùng Ray-Ban, số khác phân vân giữa Bulgari với Dolce & Gabbana mà không hay rằng chúng đều là sản phẩm của Luxottica (Italy), công ty sản xuất kính lớn nhất thế giới. Điều mỉa mai là trong khi giới sành điệu thuộc hết tên các nhãn hiệu xa xỉ, nhiều người trong số họ lại chưa từng nghe cái tên Luxottica bao giờ. Ngoài các nhãn hiệu trên, "lò" Luxottica còn được thuê sản xuất kính cho hàng loạt thương hiệu "mạnh" khác như Burberry, Chanel, Polo Ralph Lauren, Paul Smith, Stella McCartney, Tiffany, Versace, Vogue, Persol, Miu Miu, Tory Burch, Donna Karan, Salvatore Ferragamo và Prada. Hãng đảm nhận hầu hết các khâu từ thiết kế kiểu dáng, sản xuất đến marketing, với nhà máy đặt tại nhiều nơi như Mỹ, Trung Quốc và chủ yếu là ở Italy. Bản thân Luxottica chỉ sở hữu một số nhãn hiệu như Ray-Ban, Oakley, Oliver Peoples và REVO.
Nếu nhà sản xuất cãi rằng giá đắt là do mắt kính phải dùng chất liệu tốt và kỹ thuật sản xuất tinh xảo thì còn phần nào hợp lý. Tuy nhiên, việc chi hàng trăm đến hàng nghìn USD cho cái gọng kính có vẻ không cần thiết lắm khi chỉ cần bỏ ra chút kim loại và thêm tí nhựa nếu cần thiết. Tác giả trên tờ Wall Street Journal buồn rầu nhớ lại lần mua cặp kính "bé xíu", gọng titan rỗng ruột, có trọng lượng còn nhẹ hơn xấp tiền phải bỏ ra để mua nó.
Kính hàng hiệu mang nhãn Dolce & Gabbana, Versace hay Tiffany đều từ một lò Luxottica mà ra.
Trên thực tế, hầu hết số tiền đó đi thẳng vào túi nhà sản xuất. Hãng Luxottica thú nhận rằng cứ bán được 1 USD thì họ thu về 64 cent lợi nhuận, tương đương 64%. Ngay cả khi khấu trừ chi phí khác như quảng cáo, họ vẫn đút túi 52 cent ngon lành.
Đó là lý do các công ty sản xuất kính mắt luôn ăn nên làm ra ngay cả trong thời buổi kinh tế khó khăn. Năm ngoái, cổ tức của Luxottica vẫn khấm khá ở mức 11%. Thời kỳ sung sức trước khủng hoảng, con số này là 20%. Các nhà đầu tư đang rất lạc quan về triển vọng của hãng khi giá cổ phiếu nhảy vọt từ mức thấp 13 USD năm ngoái nay lên 25 USD.
Tomford cũng là hãng kính nổi tiếng đắt đỏ.
Phần lớn số tiền khách hàng bỏ ra là để trả cho giá trị thương hiệu của chiếc kính. Do đó, đối với kính mắt, giá cả và chất lượng không hẳn song hành nhau. "Một chiếc kính 300 đôla chưa chắc mang lại ích lợi gì hơn sản phẩm có giá 100 USD, ngoài ngoại hình và logo có thể bắt mắt hơn", Tiến sĩ Jay Duker, chủ tịch một viện mắt ở Mỹ nhận định. Nếu khách hàng có bỏ thêm thật nhiều tiền để mua kính "oách" thì tác dụng của nó vẫn không thay đổi.
Cặp kính giá 40 USD là đủ để bảo vệ mắt 100% trước tác hại của tia cực tím. Thêm khoảng 70 USD nữa, khách hàng có thể mua được sản phẩm tươm tất hơn với tác dụng phân cực giúp giảm chói. Mọi tác dụng về mặt sức khỏe đều dừng lại ở mức giá này, giới thạo nghề khẳng định. Những cặp kính thời trang "ngốn" nhiều tiền hơn là bạn nghĩ. Một khi đã là tín đồ hàng hiệu, người ta có xu hướng luôn bắt kịp các sản phẩm mới nhất. Không những thế, một lúc họ còn phải có đôi ba cặp thay đổi, cái thì dùng đi biển, cái hợp với áo xanh, cái hợp bộ hồng. Nếu mỗi năm bạn mua chỉ một chiếc giá 200 đôla thì sau chục năm, tổng chi phí sẽ là một con số không hề nhỏ, nhất là nếu cộng cả lãi suất.
(Theo Thanh Bình // VnExpress)