Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bảo vệ người tiêu dùng: Đòi hỏi từ thực tiễn

Ngày mai (27-2), tại TPHCM, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) sẽ tổ chức Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam”. Đây là hội thảo quy mô toàn quốc, mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thị trường hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng trưởng và vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được dư luận quan tâm.

Thực tiễn từ xã hội

Tang vật thu được từ một vụ mua bán mắt kính giả tại TPHCM do lực lượng QLTT TP phát hiện. Ảnh: T.L.

Có thể nói tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) thực sự trở nên bức thiết, bởi hầu hết người dân đều quan tâm đến lĩnh vực này. Nhìn lại vài năm gần đây, các sự kiện liên quan đến thị trường hàng hóa như điện, nước, xăng, dầu, sữa, nước tương v.v… luôn tạo nên bình luận sôi nổi trên các diễn đàn, từ nghị trường cho đến câu chuyện trong mỗi gia đình.

Về mặt quản lý Nhà nước, trong giai đoạn đất nước đã thực sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, thì thực tiễn xã hội đã buộc các cơ quan lập pháp phải xây dựng các đạo luật phù hợp vào thời kỳ này.

Đơn cử như Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, văn bản pháp quy cao nhất trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng được ra đời vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đây là văn bản pháp quy ra đời trong giai đoạn công cuộc đổi mới đã thu được những thành tựu to lớn, đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và bước vào thời kỳ phát triển kinh tế giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong giai đoạn này, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỏ ra có hiệu quả, góp phần giúp Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, giúp các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, tham gia sản xuất và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống tiêu dùng của người dân.

Xét dưới góc độ người dân, bên cạnh Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng loạt văn bản khác như Pháp lệnh Chất lượng sản phẩm (1999), Pháp lệnh Quảng cáo (2001), Pháp lệnh Giá (2002), Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm (2003) … càng giúp mọi người có điều kiện tốt hơn trong việc lựa chọn, mua và sử dụng hàng hóa...

Vai trò của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng

Tại Điều 9, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định rất rõ: “Người tiêu dùng có quyền đòi bồi hoàn, bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, giá cả đã công bố hoặc hợp đồng đã giao kết; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng và việc thông tin, quảng cáo sai sự thật”, Điều 22 của pháp lệnh này quy định “Người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện để thực hiện việc khiếu nại, yêu cầu bồi hoàn, bồi thường đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã gây thiệt hại cho mình theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, nếu đối chiếu với hướng dẫn của Liên hiệp quốc về 8 quyền của người tiêu dùng: quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản; quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được lắng nghe; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục về tiêu dùng và quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững thì về cơ bản pháp lệnh đã ghi nhận được toàn bộ các quyền này trong Chương II (tại các điều từ Điều 8 đến Điều 11). Như vậy, rõ ràng pháp lệnh đã “mở cửa” dần cho hoạt động của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, dù rằng những quy định này còn tương đối chung chung khiến các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khó áp dụng trong thực tế.

Kinh nghiệm cho thấy, các quốc gia phát triển trên thế giới thường có một đạo luật tương đối đầy đủ về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Lý do, mọi quốc gia thường quan tâm đến công tác này không những vì quyền lợi các doanh nghiệp làm ăn chân chính trên đất nước sở tại, mà còn nhằm bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng hóa.

Đặc biệt, vai trò của các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cực kỳ mạnh với những quyền lực thực sự ảnh hưởng lớn đến cộng đồng. Hy vọng, trong thời gian sắp tới, các cơ quan chức năng tại Việt Nam sớm hoàn thành việc ban hành các đạo luật mới liên quan trong lĩnh vực này, mở ra cơ hội hoạt động mạnh mẽ cho các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.

(Theo Sài Gòn online)

  • 30% số vỏ bình gas trên thị trường là giả nhãn hiệu
  • Không mua Honda quá giá đề xuất
  • Người tiêu dùng mỗi năm bị 'xà xẻo' 30.000 tấn gas
  • Câu chuyện siêu thị
  • Sức mua đang giảm xuống
  • Giá xe ô tô sẽ tiếp tục giảm
  • Xung quanh chuyện giá xe máy Honda: Lead sẽ dẫn tới đâu?
  • Metro giảm giá gần 50% nhiều nhóm hàng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng