Giá nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng cao gấp nhiều lần so với giá thành sản xuất |
Mới đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết đơn vị này vẫn đang rà soát việc thực hiện công tác quản lý giá tại các địa phương. Tuy nhiên, vị cục trưởng này cũng cho rằng để cải thiện tận gốc thị trường giá cả hiện nay cần xuất phát từ việc cải thiện hệ thống phân phối.
Tầng nấc tạo ra giá
Nhìn nhận được tầm quan trọng của hệ thống phân phối, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo đề án về giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ từ cách đây hai năm. Tuy nhiên, đến nay, đề án này vẫn chưa được hoàn thành.
Đối với rất nhiều mặt hàng hiện nay, DN sản xuất chỉ biết sản xuất mà không chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình. Khi hàng đã xuất ra khỏi cổng, tiền đã thu về, DN đựơc xem như thế trách nhiệm và giá đội lên mức độ nào thì chỉ người tiêu dùng thiệt trong khi các DN trên thị trường không phạm luật. Chẳng hạn, đối với mặt hàng thép, ra khỏi cổng nhà máy giá thép đã đựơc bán với một giá khác, sau đó tiếp tục qua các đại lý thu gom các cấp khác nhau. “Cứ thế, giá bị đẩy lên do mỗi lái buôn đẩy một tí để kiếm lợi nhuận. Đấy là do khâu phân phối bị buông lỏng” - ông Thỏa khẳng định.
Mặt hàng xe máy là một ví dụ. Cửa hàng đại lý niêm yết giá bán theo giá bán lẻ khuyến nghị từ nhà sản xuất nhưng lại bán với giá cao hơn và ghi hóa đơn lại theo giá bán của DN sản xuất. Rõ ràng, các cửa hàng này đang trốn thuế và không chấp hành đúng Pháp lệnh giá về niêm yết giá. “Điều này là không ổn và cần có sự quản lý giá và thuế ở địa phương” - ông Thỏa nhấn mạnh. “Càng qua nhiều tầng nấc phân phối, chi phí càng bị đẩy lên và tất nhiên được tính vào giá. Đó là nguyên nhân khiến giá đến tay người tiêu dùng cao gấp nhiều lần so với giá thành sản xuất. Bản thân giá không tạo ra tầng nấc mà là tầng nấc tạo ra giá” - ông Thỏa nói thêm.
Cần bớt khâu trung gian
Bảng so sánh giá một số mặt hàng: Đường : Giá tại nhà máy: 16.000 đồng/kg Giá bán lẻ tại chợ: 24.000 đồng.kg Cà chua : Giá thu mua tại Đà Lạt: 1.000 đồng/kg Giá bán lẻ tại chợ Hà Nội: 10.000 đồng/kg Bắp cải : Giá thu mua tại ruộng: 2.000 đồng/cái Giá bán lẻ tại chợ Hà Nội: 6.500 đồng/cái Nguồn: Hiệp hội siêu thị Hà Nội |
Điểm yếu của dự thảo đề án về giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ được ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết là thiếu tính liên kết giữa sản xuất và phân phối. Đây cũng là điểm yếu của hệ thống phân phối hiện nay. Về phía các nhà bán lẻ, quá thụ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng hóa. Thay vì chủ động sản xuất, thu mua tại gốc, nhiều siêu thị vẫn ngồi một chỗ chờ xe hàng của các lái buôn đem đến. Do đó, chi phí ắt phải đội lên do nhiều tầng cấp và các loại chi phí khác nhau.
Về phía người sản xuất, quy trình sản xuất chưa mang lại những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thiếu quy hoạch vùng nên sản xuất chưa mang tính bài bản, chiến lược, do đó, lượng tiêu thụ không ổn định. Hạ tầng giao thông cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hệ thống phân phối. “100 km vận chuyển ở Nhật đi ôtô chỉ mất hơn 1 tiếng đồng hồ thì tại VN có thể phải mất 3 tiếng”, ông Phú nêu ví dụ. Ba yếu tố này tác động đến hệ thống phân phối, vì vậy, khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra là cần tạo sự kết nối giữa nhà sản xuất và bán buôn, để cắt bớt các khâu trung gian.
Một điểm khác cần chú trọng trong đề án này là xây dựng quy hoạch về thương mại, quy hoạch vùng sản xuất từng nhóm mặt hàng để cung ứng nguồn cho thương mại. Đề án này đã đề cập đến việc xây dựng các vùng quy hoạch nhưng chưa cụ thể chi tiết. Và câu hỏi băn khoăn nhất hiện nay vẫn là: “ai làm, tiền đâu, và ai kiểm tra”.
Việc thực hiện chương trình bình ổn giá thời gian gần đây không mang lại nhiều hiệu quả cũng là một bằng chứng cho thấy điểm yếu của hệ thống phân phối. Thông tin từ Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, chương trình bình ổn giá tại một số nơi đã bộc lộ một số điểm yếu, giá bình ổn cao hơn giá bán ở nơi không bình ổn. Nguyên nhân được chỉ ra là do DN tham gia bình ổn không tìm đựơc hàng tại gốc để mua. Sau khi mua lại cộng thêm nhiều loại chi phí, hệ thống phân phối chưa hợp lý xét về mặt tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, các cửa hàng bán lẻ lại có thể trốn thuế do đó giá bán thấp hơn.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)