Đến hẹn lại lên, những ngày cuối năm âm lịch giống như một dịp lễ hội cho các tín đồ mua sắm. Tuy nhiên, trong số ấy, không phải ai cũng cảm thấy hài lòng với những món tiền mình bỏ ra.
Như thường lệ, cuối năm luôn là dịp để các doanh nghiệp giảm giá, xả hàng, thanh lý hàng tồn kho... Đi dọc những con phố mua sắm nhộn nhịp của các thành phố lớn dịp này, không khó để nhìn thấy những tấm biển quảng cáo khuyến mại đủ màu sắc, đầy hấp dẫn được đặt nhan nhản trên vỉa hè.
Cửa hàng bé đã vậy, các cửa hàng lớn, những siêu thị hay shopping mall cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Hàng loạt những chiến dịch ưu đãi mua sắm rầm rộ được tung ra để chào mời khách hàng. Thậm chí, có những mặt hàng, trước vốn chỉ tồn tại trong "wish list" của nhiều người thì nay được giảm giá sâu và hoàn toàn nằm trong tầm với. Không những thế, với mỗi hóa đơn mua hàng, người mua lại được hưởng thêm nhiều "giá trị gia tăng" tặng kèm. Vì lẽ đó mà với đông đảo người tiêu dùng, đây chính là một dịp lý tưởng để đi mua sắm đồ đạc cho bản thân và gia đình chuẩn bị năm mới.
Là người có... thâm niên mua đồ giảm giá cuối năm, chị Bích Hạnh (Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Thông thường, mỗi năm có khoảng 5, 6 đợt khuyến mại. Tuy nhiên, đợt cuối năm vẫn luôn là đợt hoành tráng nhất vì giá cả được giảm nhiều, hàng hóa lại phong phú, đa dạng. Tôi và bạn bè, đồng nghiệp vẫn tận dụng dịp này để săn những món đồ cần thiết". Tuy nhiên, cũng theo chị Bích Hạnh thì cần phải tỉnh táo trước những lời chào hàng ngọt như mật và những món quà tặng kèm hấp dẫn nếu như không muốn... nếm quả đắng. "Có không ít cửa hàng làm ăn gian dối, tranh thủ cơ hội này tráo hàng lỗi, hàng chợ để lừa gạt khách hàng kiếm lời", chị Hạnh cho biết.
Tìm hiểu kỹ càng
Không ít người có thói quen hứng lên là mua. Đặc biệt, với những đợt giảm giá mạnh dịp cuối năm, "căn bệnh" này lại càng được dịp... bùng phát. Và cuối cùng, sau một ngày mệt lả vì săn đồ, phải đối mặt với một ma trận khuyến mại, thường sẽ có hai trường hợp xảy ra. Một là chẳng mua được gì, hai là ngược lại, mua rất nhiều những thứ dùng được thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể, nguy cơ mua phải đồ kém chất lượng là rất cao.
Do đó, trước khi xách giỏ lên đường, bạn nên dành một chút thời gian để tìm hiểu xem nhu cầu thực sự của mình là gì. Cái gì cần mua nhất và cái gì... để sau cũng được. Sau khi đã gạch đầu dòng liệt kê được những món đồ cần mua, việc tiếp theo là lên mạng tìm kiếm thông tin về chúng, xem dòng sản phẩm nào trong nhóm hàng đó đáng tin cậy, giá trị thực khi chưa khuyến mại như thế nào, ở đâu đang có giảm giá, chọn lọc những địa điểm khuyến mại minh bạch...
Việc này đặc biệt quan trọng đối với những ai có nhu cầu mua đồ điện tử, điện máy, đồ gia dụng... Bạn không chỉ nắm rõ thông tin món hàng mình cần mua, mà còn xác định được chính xác nên mua ở đâu và mức giảm là bao nhiêu để cân đối tài chính. Hơn thế nữa, khi thực hiện thao tác này, bạn sẽ không bị chi phối bởi các nhân viên bán hàng về những dịch vụ ưu đãi không cần thiết đi kèm khi mua hàng trực tiếp. Nhờ vậy, bạn tỉnh táo hơn với lựa chọn của mình.
Trong khi đó, với mặt hàng thời trang, dù không thể xác định được cụ thể sản phẩm cần mua là gì, nhưng nó sẽ giúp bạn biết được đâu là thương hiệu hay bộ sưu tập mình cần, qua đó tiết kiệm khá nhiều thời gian cũng như công sức khi đi mua sắm.
Sau một vài năm mang không biết bao nhiêu đồ về rồi cất vào kho và nghe chồng cằn nhằn, chị Lan Hương (Ngọc Khánh, Hà Nội) đã rút kinh nghiệm cho riêng mình. Tìm hiểu và lên kế hoạch cẩn thận trước khi móc ví, giờ chị không chỉ tiết kiệm được ít nhiều cho gia đình trong thời buổi bão giá mà còn mua được những món đồ hữu ích thực sự dịp cuối năm.
Mua ở đâu?
Kể cả khi bạn không lên một kế hoạch chu đáo, chỉ xách xe ra đường với tâm lý của một người đi chơi thì cũng không nên chỗ nào cũng ghé vào. Với những mặt hàng được bán quăng quật ngoài vỉa hè hoặc những gian hàng trong các khu hội chợ tết, xem thì được nhưng để mua thì không nên. Vì những món đồ này thường không rõ nguồn gốc, hoặc là hàng lỗi, cất trong kho đã lâu nay được dịp bung ra bán tống bán tháo. Giá sản phẩm nếu nhìn qua thì tưởng là rẻ nhưng thực ra bạn vẫn bị mua đắt.
Nhìn chung, cứ những cửa hàng lớn, uy tín, những trung tâm thương mại hàng đầu mà thẳng tiến. Ngoài việc được thoải mái thụ hưởng những dịch vụ như gửi xe an toàn, máy lạnh chạy rì rì, nhà vệ sinh sạch sẽ... thì quan trọng hơn cả, hàng hóa ở những nơi này cũng đảm bảo hơn.
Mua... theo nhóm
Đây không phải là hình thức mua hàng thịnh hành trên mạng, mà chỉ đơn giản là một nhóm bạn bè, đồng nghiệp cùng nhau đi săn đồ khuyến mại cuối năm. Việc đi đông không chỉ vui, mà còn có những tác dụng rõ rệt. Chị Thanh Mai (Q3, TP.HCM) có một nhóm bạn vốn sành hàng hiệu. Đi mua đồ với nhóm này, chị chẳng bao giờ lo "vớ" phải hàng giả, hàng nhái. Chưa kể, kiến thức và cách phân biệt "thật giả" của chị cũng tăng rõ rệt. Không những thế, việc đi cùng số đông còn giúp cho từng thành viên trong nhóm tự tin hơn trong việc đối phó với những nguy cơ gặp tay bán hàng ma mãnh, tránh được việc mất đi những quyền lợi chính đáng của mình khi mua hàng vì lơ đãng. Như trường hợp của anh Minh Quang (Cầu Giấy, Hà Nội) vì mua được một chiếc máy ảnh với giá quá hời mà suýt quên khuấy là mình còn được tặng kèm kha khá phụ kiện như chân máy, thẻ nhớ. May nhờ có anh bạn đi cùng nhắc nhở, anh Quang mới sực nhớ ra.
(THEO ĐẸP)