Sẽ không là bất ngờ nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2010 tăng trên 1%, thậm chí gần 2%.
Tuy vậy, mức tăng bao nhiêu lại có ý nghĩa quan trọng để định lượng về mức độ thắt chặt tiền tệ vốn đã diễn ra 2 tháng nay.
Mức so sánh CPI tháng 12 với tháng 11 đã tăng rất cao (1,86%) thường hàm ý gia tốc có thể kìm chút ít. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cơ bản có thể khẳng định sẽ khó có khả năng CPI tăng thấp trong tháng 12.
Các mô hình Leontief hệ số cập nhật từ bảng cân đối liên ngành 2007 và SARIMA tự hồi quy tích hợp trung bình trượt có điều chỉnh mùa vụ cho phép NDHMoney xác định mức dự báo chỉ số giá tháng 12 có thể tăng hơn 1,5% so với tháng 11. Nếu dự báo này sát với thực tế thì lạm phát tháng 12/2010 so với cùng kỳ 2009 sẽ ở mức trên 11%.
Căn cứ trên thực tế có thể đưa ra dự báo giá cả hàng hóa, nhóm hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng giá trong tháng này, chủ yếu do dịch bệnh trên gia súc và gia cầm trên cả nước chưa được khống chế, tốc độ tái đàn sau dịch bệnh còn chậm, quy luật tăng giá mùa vụ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, lễ Noel... Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có thể đóng góp vào mức tăng CPI chung khoảng 1%.
Giá gas và sắt thép vẫn là tác nhân chính đẩy chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nguyên nhân chuyển mùa tiếp tục tác động đến nhóm may mặc, mũ nón, giày dép. Người viết cho rằng CPI hai nhóm này có thể tăng trên 1% so với tháng 11.
Ngoài ra, nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình và đồ uống, thuốc lá cũng là những nhóm có chỉ số giá tăng tương đối cao trong tháng này.
Có thể thấy, mức tăng CPI khá cao trong mấy tháng gần đây vẫn là điểm đặc biệt đáng quan tâm. Ngoài nguyên nhân có tính chu kỳ, chỉ số giá tiêu dùng thường tăng cao trong dịp cuối năm khi lực cầu hàng hóa và dịch vụ thay đổi đột biến, sự hồi phục của kinh tế thế giới và tỷ giá hối đoái thay đổi cũng tác động mạnh đến giá cả trong nước.
Vào tháng 10 năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994 đã lần đầu tiên kể từ tháng 3/2010 giảm so với tháng trước, trái ngược với dự báo tăng 4% được đưa ra trước đó. Do vậy, mức dự báo tăng 5,4% trong tháng 11 chưa chắc trở thành hiện thực.
Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) trong một báo cáo ngày 7/12 nhìn nhận, sản xuất trong nước tăng trưởng vượt dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế; lãi suất tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, làm tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, có thể gây áp lực tăng giá.
Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán và tín dụng có khả năng tăng vượt mục tiêu năm nay. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước công bố cách đây ít ngày, hai chỉ tiêu trên đến hết tháng 12/2010 có thể tăng 25-27% so với cuối năm 2009.
Như vậy, với so sánh cơ bản về cân đối tiền - hàng cho thấy rõ xu hướng tăng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra vào tuần trước, nhiều tổ chức quốc tế đã khuyến nghị chính sách thắt chặt tiền tệ hơn nữa đối với Việt Nam và cho rằng mức tăng các lãi suất chủ chốt 1% là chưa đủ.
Cuối cùng, một lưu ý trong dự báo CPI tháng 12/2010 là những hiệu chỉnh thường được NDHMoney sử dụng trong trường hợp hành vi tiêu dùng và đầu tư thay đổi cũng đã tác động đến kết quả cuối cùng. Mặc dù vẫn có những kịch bản CPI tháng 12 đứng trước khả năng tăng cao hơn tính toán (1,5%), tuy nhiên xác suất này chưa đủ để khẳng định chắc chắn.
(NDHMoney)