CPI đang “lao dốc” mạnh, từ đỉnh cao tại mức tăng 1,96% của tháng 2/2010 xuống 0,75% trong tháng 3, và tháng này là tốc độ tăng rất thấp. |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2010 đột ngột giảm tốc, chỉ tăng 0,14% so với tháng trước, xác lập mức tăng thấp nhất kể từ sau tháng 3/2009.
Nếu so với tháng 12/2009, CPI tháng này đã tăng 4,27%; so với cùng kỳ tăng 9,23%. Chỉ số giá bình quân 4 tháng đầu năm tăng 8,69% so với cùng thời kỳ năm 2009.
Nhìn ngược lại xu hướng giá cả trong 3 tháng gần đây, biểu đồ CPI đang “lao dốc” mạnh, từ đỉnh cao tại mức tăng 1,96% của tháng 2/2010 xuống mức 0,75% trong tháng 3, và tháng này chỉ còn tăng 0,14%.
Những lo ngại trước đó về sức ép lạm phát đang gia tăng, với lập luận rằng, giai đoạn này trong năm phù hợp là điểm rơi chính sách tiền tệ theo quy luật; giá cả thế giới đang phục hồi tác động đến chi phí đầu vào sản xuất và lưu thông phân phối; điện, nước, gas... lên giá, dường như không được chỉ số CPI tháng này “ủng hộ”.
Trong khi, ở thế du di chút ít, chỉ số giá tháng 4 dường như khẳng định quan điểm của một số bạn đọc VnEconomy, cho rằng CPI tháng 4/2010 sẽ tương ứng với tháng 3/2009, xét về quy luật biến động giá cả. Vì năm 2009, âm lịch nhuận thêm một tháng, khiến thời điểm Tết Nguyên đán được đẩy chậm lại tương ứng.
Thực tế diễn biến giá cả trên thị trường, có những nguồn tin khẳng định sức ép tăng giá là có thật. Cơn “sốt nóng” giá thép xây dựng bùng phát trong khoảng 4-5 tuần trước khi Tổng cục Thống kê chốt số liệu tháng tính CPI khiến những lo ngại lạm phát có cơ sở để đặt niềm tin.
Mức tăng khoảng 4,5 triệu/tấn, tương đương khoảng 35%, trong khi quyền số mặt hàng này trong rổ hàng hóa tính CPI chỉ có 1,2% cũng đã “góp” vào CPI tháng này thêm khoảng 0,42% giá trị tăng.
Trong khi đó, một số nguồn tin chính thống cùng thời điểm cũng cho biết, các siêu thị đã phải điều chỉnh giá bán hàng trăm mặt hàng ở mức tăng trên dưới 10%, do các nhà cung cấp đồng loạt đòi tăng giá...
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với VnEconomy sáng nay, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề gồm phân bón, sơn, thiết bị sứ vệ sinh tại Đồng Nai cho biết, dù nguyên liệu đầu vào từ nhập khẩu tăng 20-30% kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tuy nhiên công ty này không dám tăng giá bán vì tại thời điểm này, kinh doanh đang nhiều khó khăn.
Sự nhiễu thông tin liên quan đến lạm phát trong thời gian gần đây đến từ những diễn biến trái chiều, đưa chỉ số giá vào thế giằng co của tác nhân tăng và nhân tố hỗ trợ giảm.
Về tiền tệ, có sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi tài sản tài chính, xét trên góc độ vàng và USD. Bằng chứng là độ vênh giá vàng trong nước và quốc tế đã thu hẹp hơn, trong khi tiền đồng liên tục lên giá so với USD và nguồn tiền gửi ngoại tệ trong các ngân hàng cũng tăng hơn trước Tết.
Với các con số cụ thể, chỉ số giá vàng tháng này giảm tới 0,8%. Tương tự, chỉ số giá USD giảm 0,28% trong tháng 4 cũng là diễn biến tích cực đối với giá hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng có xu hướng điều chỉnh thị trường hơn, thanh khoản không còn căng thẳng như trước đó, và nguồn vốn huy động của hệ thống cũng đã có dấu hiệu cải thiện.
Như vậy, cân đối tiền - hàng, nếu nhìn trên diễn biến chỉ số giá, có thể cho rằng đã cân bằng hơn trong một tháng qua.
Về cụ thể diễn biến giá trong rổ hàng tính CPI, tháng 4 này ghi nhận giá hai nhóm hàng hóa, dịch vụ quan trọng là hàng ăn, dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông, chiếm tới trên 40% quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI giảm mạnh.
Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có quyền số 39,93% đã giảm tới 0,63% trong tháng này (riêng ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46%); nhóm bưu chính viễn thông quyền số 2,73% và giảm 0,06%.
Ở phía nhân tố tạo áp lực tăng, đáng chú ý là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng có quyền số 10,01% đã tăng tới 2,51%. Sự “tập hợp” các nguyên nhân gây tăng giá đến từ sắt thép, xi măng, gas... Hợp lực thêm là giá điện, nước tăng kể từ 1/3 cũng có tác động không nhỏ đến CPI nhóm hàng này, cũng như chi phí đầu vào nhiều loại hàng hóa khác.
Với các nhóm còn lại, mức tăng CPI khá thấp, chỉ từ 0,12% đến 0,45%.
Sự đan xen của giá cả tăng và giảm trong các nhóm hàng hóa dịch vụ tháng này khiến diễn biến CPI tháng tới càng khó khăn để dự báo. Hướng đi tích cực của dòng tiền còn tiếp diễn là câu hỏi khó, trong khi giá cả thế giới đang trong giai đoạn căng thẳng và chưa rõ ràng về tính quy luật.
Tiêu dùng mạnh lên trong mấy ngày nghỉ tới có thể được liệt kê là một trong những nguyên nhân gây sức ép tăng chỉ số giá tháng tới. Sức căng chịu đựng giá bán thấp và giảm lợi nhuận từ phía nhà sản xuất cũng đặt thị trường vào tình thế đón đợi những quyết định vào thời điểm phù hợp.
(Theo Anh Quân // Vneconomy)