Nếu như trước đây có một số trang mạng nhận đặt mua hàng tại Mỹ với tên miền .com, thì trong năm 2010, các trang này đăng ký thêm tên miền .vn để hoạt động theo đúng pháp luật và tạo thêm uy tín với khách hàng.
Các loại thuốc bổ, vitamin tổng hợp mua từ Mỹ có giá rẻ hơn 20% so với thị trường trong nước. Ảnh: Anh Vũ |
Hiện có các trang như hangmy.vn, muahangmy.com.vn, bestdeal.vn, e24h.vn, thegioitructuyen.vn... Phần lớn các trang này đều ghi thông tin công ty, văn phòng hoạt động tại Mỹ và Việt Nam. Sản phẩm giới thiệu chủ yếu là hàng hoá tại Mỹ và kiêm thêm dịch vụ đặt mua hàng, vận chuyển từ Mỹ về.
Đa số các trang dạng này giao tiếp với khách hàng bằng những phương tiện liên lạc qua mạng như điện thoại, chat, điền thông tin theo mẫu, thư điện tử... Sau khi đạt thoả thuận giá, người mua sẽ đến địa chỉ giao dịch để đặt cọc từ 15 – 35% giá trị hàng hoá hoặc thanh toán qua mạng. Sau ba đến bốn tuần, người mua sẽ nhận được hàng từ Mỹ chuyển về Việt Nam và thanh toán phần còn lại. Đối với những mặt hàng đặc thù hoặc đặt mua với số lượng lớn, các trang này cung cấp dịch vụ thay mặt người đặt mua để đàm phán giá. Chẳng hạn, trang muahangmy.com.vn có nhân viên tại Mỹ thương lượng với chủ hàng hoá, nếu đạt được mức giá hợp lý và hợp đồng mua bán giữa hai bên thành công thì muahangmy.com sẽ tính phí 3% cho giao dịch trên 100 USD và thu
5 USD cho sản phẩm dưới 100 USD.
Ông Hữu Khoa, giám đốc công ty Vi Khoa, Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, chuyên nhập hàng từ Mỹ, lý giải: “Các trang mạng làm dịch vụ đặt mua hàng tại Mỹ phát triển được bởi nhu cầu lớn và họ có thể quản trị việc vận chuyển hợp lý, mới có lợi nhuận”.
Ông Nguyễn Anh Minh, quận Bình Thạnh, cho biết: “Đối với những trang mạng làm dịch vụ thì phải có thông tin địa chỉ, hình ảnh, người giao dịch cụ thể. Khi đặt mua hàng, nếu gặp sản phẩm giá quá rẻ cần phải trao đổi chi tiết với người giao dịch về thông tin sản phẩm, thời gian nhận hàng hoá, mức thuế nhập khẩu, cước vận chuyển… bởi có sản phẩm khi về tới Việt Nam, giá đội lên rất cao”. Nếu đã đặt hàng xong cần lưu lại thông tin các giấy tờ giao dịch, các nội dung tư vấn qua chat hoặc điện thoại để khi cần giải quyết tranh chấp sau này.
Vẫn còn vướng mắc về địa giới hành chính Khi các trang mạng thoả thuận dịch vụ đặt mua hàng hoá từ nước ngoài với khách hàng được xem là hợp đồng dân sự dưới dạng “thông điệp dữ liệu”, theo luật Giao dịch điện tử năm 2005. Theo quy định, doanh nghiệp phải cung cấp những thông tin chi tiết về doanh nghiệp như địa chỉ, số đăng ký kinh doanh, các điều khoản hợp đồng… Đặc biệt lưu ý trường hợp thanh toán trực tuyến, phải có cơ chế xác nhận trước khi hợp đồng được giao kết như cho phép khách hàng rà soát hợp đồng trước khi quyết định. Ngoài ra, trên trang mạng phải công bố cơ chế giải quyết tranh chấp (nếu xảy ra), chẳng hạn dựa vào các điều khoản nào của hợp đồng; nghiêm cấm việc lợi dụng ưu thế công nghệ để đơn phương giải quyết các vấn đề tranh chấp với người mua… Các trường hợp giao không đúng số lượng, chủng loại, không bảo đảm chất lượng, khách hàng có thể khởi kiện các công ty này về vi phạm các điều khoản hợp đồng dân sự tại toà án. Trường hợp ký hợp đồng, nhận tiền nhưng không giao hàng hoặc không trả lại tiền, có thể là dấu hiệu phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo bộ luật Hình sự 1999. Đối với trường hợp các công ty này chỉ có tên miền .vn, nhưng trụ sở và chủ yếu hoạt động ở nước ngoài thì việc giải quyết tranh chấp sẽ thông qua việc uỷ thác tư pháp của toà án Việt Nam đối với toà án nơi các công ty này có trụ sở hoặc nơi hoạt động chính. Vấn đề này cũng có nhiều vướng mắc về địa giới hành chính trong xử lý và cả tuỳ thuộc vào các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia đã hoặc chưa ký kết với nhau. Luật sư Nguyễn Thành Công, công ty Đông Phương Luật tư vấn Luật sư Nguyễn Thành Công. |
(Theo bài và ảnh: Anh Vũ/sgtt)