Nhiều gia đình đã quen dần với việc mua lương thực, thực phẩm, hoá mỹ phẩm… dự trữ lúc có tiền dư khi nhận thấy giá cả liên tục tăng.
Thực phẩm tiếp tục tăng giá mạnh khiến nỗi lo cuộc sống ngày càng đè nặng lên người tiêu dùng, nhất là đối với những người phụ nữ phải lo nội trợ. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Đã thành thói quen trong suốt năm tháng qua, cứ đợt lãnh lương cuối tháng của hai vợ chồng là bà Mỹ, 34 tuổi, ngụ ở quận 10 lại chi ngay đến 70% để mua các loại thực phẩm, thức uống, đồ dùng cần thiết trong nhà. Lý do phải mua ngay, bà Mỹ nói: “Tui thấy thứ gì cũng chỉ có tăng giá. Có loại tăng lên, dừng một lúc rồi mới tăng tiếp. Có loại tăng giá liên tục mỗi tháng. Chưa thấy có mặt hàng nào tăng lên rồi lại giảm về nấc cũ cả”.
Khi giá thay đổi từng ngày
Thực tế là hơn 200 mặt hàng tiêu dùng thường xuyên của các gia đình như gạo, đường, sữa, dầu ăn, càphê, quần áo, khăn lau mặt, xà bông tắm, bột giặt, băng, giấy vệ sinh, chổi quét nhà… đều đã tăng giá từ 30 đến trên 100% so một năm trước.
Bà Sử, nhà phường Linh Trung, Thủ Đức mỗi khi đi chợ đều sợ giá thực phẩm lại tăng thêm. Tiền chợ trung bình mỗi ngày 100.000 đồng của gia đình bà đã bị thiếu trước hụt sau kể từ khi thịt heo, thuỷ hải sản, rau củ, gia vị… tăng chóng mặt. “Không biết rồi giá sẽ còn tăng đến đâu nữa”, bà Sử nói.
Bà Khánh, ngụ tại phường 5 quận Tân Bình nêu, những năm trước, sự tăng giá diễn ra với nhịp độ chậm, lần lượt quay vòng qua các nhóm hàng, chẳng hạn dịp tết thực phẩm tăng giá, đến dịp hè hoá mỹ phẩm tăng giá, đến các tháng cuối năm hàng may mặc tăng giá. Do vậy khéo tính toán, mua hàng trái mùa, chọn thời điểm khuyến mãi vẫn có thể co kéo được ngân sách gia đình không bị hụt. Còn hiện nay tốc độ tăng giá nhanh đến chóng mặt, có lúc mỗi ngày mỗi giá và diễn ra đồng loạt trên tất cả các nhóm nên không thể xoay trở gì được. Và thực tế cho thấy, trong tất cả các đợt điều chỉnh giá ở siêu thị từ đầu năm đến nay, lúc nào cũng có đủ các nhóm hàng thực phẩm, hoá mỹ phẩm, gia dụng, quần áo may sẵn… kể cả đồ chơi trẻ em, hàng trang trí nội thất.
Hết mặt hàng này đến mặt hàng khác
Sự nối đuôi nhau tăng giá của các mặt hàng cứ liên tục như một dây chuyền, với nhiều lý do khác nhau, như nguyên liệu đầu vào, khan hiếm nguyên liệu, tỷ giá, chi phí xăng dầu, chi phí lương công nhân, giá điện… Nhiều nhóm mặt hàng tăng giá ba đến năm lần chỉ trong vòng ba tháng đầu năm như các loại thực phẩm công nghệ, quần áo may sẵn, hoá mỹ phẩm…
Ví dụ gần đây nhất, thịt heo tăng giá tạo ra tăng giá dây chuyền lên các mặt hàng thực phẩm khác như gia cầm, thuỷ hải sản bởi cơ cấu bữa ăn gia đình thịt heo vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Khi tất cả các loại thịt heo đã tăng lên trên 100.000 đồng/kg, đến phiên các loại thịt gia cầm tăng giá thêm 10.000 – 12.000 đồng/kg. Giá ức gà công nghiệp đầu năm 2011 chưa đến 30.000 đồng/kg, nhưng nay do “ăn theo” thịt heo nên giá tăng lên 50.000 đồng bất chấp nguồn cung, sức tiêu thụ không có gì biến động. Thịt vịt cũng bị đẩy giá lên đến trên 75.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi chỉ dao động 38.000 – 40.000 đồng. Tiếp sau nhóm gia cầm, các loại thuỷ sản như cá nục hấp, cá ngừ, cá bạc má cũng không còn dưới 40.000 đồng/kg như trước nữa. Những ngày cuối tháng 4 này, đến lượt giá rau củ các loại rục rịch tăng, dù trước đó mặt hàng này ít bị tác động do nguồn cung dồi dào.
Nhà cung cấp cũng bất an
Anh Trần Quang Trung, người nuôi heo ở Thống Nhất, Đồng Nai nhẩm tính, trong quý 1/2011, giá thành chăn nuôi tăng khoảng 31% và chưa dừng lại do nhà cung cấp thức ăn thông báo còn tăng giá trong các tháng tới. “Không biết tương lai xu hướng giá sẽ như thế nào”, anh Trung tâm sự.
Một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm khác cũng thừa nhận họ không thể cứ chạy theo đà tăng giá đầu vào mãi được, vì đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ không chấp nhận. “Mặc dù các định mức chi phí sản xuất, đến nay cơ bản ổn định, nhưng chỉ trong thời gian ngắn mà trứng gà, trứng vịt tăng khoảng 500 đồng/quả khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Giá trứng sắp tới cũng chưa biết thế nào vì lệ thuộc thức ăn, con giống. Chúng tôi vẫn chưa hết bất an”, ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt nói.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart còn cho rằng, việc tăng giá liên tục đã phá vỡ nhiều quy tắc trong kinh doanh. Trước đây việc nhà cung cấp muốn thay đổi giá phải báo trước với siêu thị 15 – 30 ngày. Thực tế hiện nay nhà cung cấp chỉ báo trước 3 – 5 ngày, siêu thị không chấp nhận thì không có hàng bán. Điển hình nhất là giá thịt heo tăng 40.000 đồng/kg trong siêu thị chỉ sau một ngày.
Bà Hoa nói: “Giá biến động liên tục làm thay đổi các kế hoạch dự kiến lãi – lỗ, chi phí vốn phân bổ cho các nguồn hàng, dòng tiền lưu chuyển – công nợ…”.
(Theo Bích Thuỷ – Hoàng Bảy/sgtt)