Ghi nhận từ các đơn vị bảo hành điện thoại, có những lỗi ở điện thoại giá rẻ khó bắt bệnh như máy sử dụng phụ thuộc vào vùng miền.
Hư cả rổ!
Trong những thiết bị kỹ thuật số, có thể nói, chiếc điện thoại di động là sản phẩm được dùng nhiều nhất trong ngày, thường là những thao tác: nhắn tin, gọi – nghe, chơi game… Vì dùng nhiều nên tỷ lệ hư hỏng, từ phần cứng cho đến phần mềm, so với các thiết bị điện tử khác, cũng chiếm tỷ lệ cao nhất. Một chủ cửa hàng bán điện thoại di động khá lớn ở quận 11, TP.HCM, cho biết, có ngày cửa hàng phải nhận về cả rổ, từ thương hiệu lớn cho đến thương hiệu nhỏ, nhưng tỷ lệ cao nhất là những thương hiệu nhỏ, mới xuất hiện trong ba năm trở lại đây. Các lỗi phổ biến như: âm lượng loa quá nhỏ, bàn phím bị kẹt, treo máy, không nhận thẻ nhớ, các phím bị “câm”, sóng bị “tắc”...
Theo tìm hiểu của người viết, đầu năm 2010, nhiều nhà bán lẻ tại TP.HCM đã trả lại cho một nhà sản xuất điện thoại di động trong nước hai mẫu mã chỉ vì bị lỗi hàng loạt, chủ yếu là lỗi phần cứng với tỷ lệ lên đến 50%, trong đo,́ chỉ có thể khắc phục khoảng 20%, 30% còn lại được dùng để lấy linh kiện thay thế. Còn theo ông T.H, quận 3, TP.HCM, giữa năm 2010, ông có mua cho cơ quan 14 chiếc điện thoại giá rẻ của nhãn hiệu K., nhưng cả 14 chiếc điện thoại này cùng lúc bị lỗi về chip xử lý sóng: những chiếc máy này luôn trong tình trạng “ở ngoài vùng phục vụ”. Sau khi kiểm tra những chiếc máy trên, nhà bán lẻ đã xin lỗi và đổi lại toàn bộ số máy nói trên sang một thương hiệu khác.
Theo ông Lợi Hồng Quang (trung tâm bảo hành Hồng Quang), vì nhận bảo hành cho một thương hiệu nội địa mà trung tâm của ông phải thương lượng với khách hàng ở miền Bắc để đổi sang model mới chỉ vì model này không thể dùng được khi máy ở miền Bắc, nhưng khi mang máy vào miền Trung lại sử dụng bình thường. Ông Quang từ chối nêu tên thương hiệu, do cam kết bảo mật trong hợp đồng. Theo ông Quang, có thể là do chip xử lý sóng của máy không tương thích với trạm phát sóng của nhà mạng.
3% hay 10%?
Chuyện tỷ lệ máy trả về với trung tâm bảo hành là chuyện bình thường, nhưng tỷ lệ bao nhiêu được xem “nằm trong ngưỡng an toàn” thì còn có nhiều ý kiến khác nhau.
Theo đại diện của nhiều nhà sản xuất điện thoại di động của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, tiêu chuẩn tỷ lệ bảo hành cho phép trên thế giới là dưới 3% số lượng của model đó trên toàn cầu. “Với Sony Ericsson, tổng cộng không được quá 3%. Nếu vượt quá con số trên, nhà sản xuất phải xem lại quy trình sản xuất để tìm ra nguyên nhân và có cách khắc phục”, ông Trương Minh Tứ, đại diện Sony Ericsson tại Việt Nam cho biết.
Nhưng theo ông Nguyễn Quang Minh, giám đốc công ty ABTel, chủ thương hiệu Q-Mobile, tỷ lệ bảo hành của thương hiệu này dao động từ 8 – 10%, còn chi phí bảo hành cao nhất là 5%. “Những tỷ lệ trên đạt tiêu chuẩn. Trong khi đó các hãng trên thế giới là 12 – 15%”, ông Minh nói.
Ông Bùi Hữu Thuận, giám đốc công ty An Ba ở TP.HCM, đơn vị bảo hành cho hai thương hiệu là Sony Ericsson và MobiStar, cho biết, tỷ lệ lý thuyết mà các nhà sản xuất đặt ra là dưới 3% nhưng tuỳ theo điều kiện thời tiết, cách sử dụng của khách hàng mà tỷ lệ máy quay về trung tâm bảo hành cao hơn so với tỷ lệ lý thuyết ít nhất là 4 – 6%. “Ngoài những lỗi do nhà sản xuất, môi trường sử dụng cũng là yếu tố làm tỷ lệ máy hư nhiều hơn. Ví dụ, người tiêu dùng Việt Nam hay nghe điện thoại ngoài đường nên tỷ lệ máy bị nhiễm bụi và hư loa (vì phải mở âm thanh thật lớn) có cao hơn những lỗi khác”, ông Thuận phân tích. Theo ông Thuận, hai lỗi trên phải mang máy đến trung tâm bảo hành khắc phục vì người dùng không có đủ kinh nghiệm để xử lý.
Cung cấp dịch vụ bảo hành cho các thương hiệu lớn: Motorola, HTC, Alcatel, ông Quang nói: “Trong những thương hiệu mà chúng tôi đang chịu trách nhiệm bảo hành, thương hiệu lớn hơn sẽ có tỷ lệ bảo hành thấp, có khi dưới 3%”.
(Theo Gia Vinh/sgtt)