Điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến đối với mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành thạo trong việc chọn mua điện thoại. Nhiều người đã mất tiền vì sính máy “xịn mà rẻ” hoặc mua nhầm máy giả mà không biết.
Vertu chính hiệu (trái) và Vertu nhái xuất xứ từ Hồng Kông
Máy đính kim cương, dát vàng giá “bèo”
Vertu, Mobiado là những hiệu điện thoại siêu đắt. Trên trang chủ của Vertu, hãng này giới thiệu 10 phiên bản điện thoại phổ biến nhất của hãng, theo đó không có loại nào giá dưới 5.000 USD (khoảng 100 triệu đồng). Còn trên trang chủ hãng Mobiado và những đại lý của hãng này tại nhiều nước trên thế giới (trong đó có VN), giá máy “bèo” nhất cũng 1.500 USD (khoảng 30 triệu đồng).
Sản phẩm càng đắt tiền càng kích thích dân làm hàng lậu vào cuộc. Hiện nay, người mua dễ dàng tìm được rất nhiều loại điện thoại hiệu Vertu, Mobiado chỉ với giá... từ 2 đến 3 triệu đồng! Rất nhiều gian hàng trực tuyến, các cửa hàng, siêu thị điện thoại trên mạng đều có bán những sản phẩm hàng hiệu kể trên với giá cực rẻ. Thậm chí, không ít máy được quảng cáo là được đính kim cương, dát vàng nhưng giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Theo anh T., nhân viên một siêu thị điện thoại trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 - TPHCM, hầu hết những chiếc máy trên có xuất xứ từ Trung Quốc, chất lượng linh kiện rất thấp còn tính năng thì thua xa điện thoại chính hãng. Những ai mua phải điện thoại “xịn mà rẻ” đó thì chỉ vài tháng sau là phải thay mới.
Hầu hết xuất xứ từ Trung Quốc
Hiện các loại điện thoại di động siêu đắt bị làm giả không nhiều bằng các dòng điện thoại thông minh (smartphone). Ví dụ như Nokia, tại thị trường VN có rất nhiều mẫu điện thoại Nokia giả đang lưu hành. BlackBerry cũng chịu chung số phận khi nhiều dòng máy được cho là BlackBerry xách tay nhưng thực tế là hàng giả, ráp và mang từ... Trung Quốc về. iPhone cũng không thoát được, bằng chứng là sau iPhone 3G, iPhone 3Gs, iPhone 4G của Apple ra đời là có ngay những chiếc ePhone, iFone, yPhone... giống y chang, chỉ khác xuất xứ là “made in China”!
Đáng chú ý, một số hãng điện thoại trong nước cũng tung ra những phiên bản điện thoại di động riêng nhưng sau khi mổ xẻ chi tiết bên trong, người ta nhận thấy tất cả đều là của Trung Quốc 100%, ngoại trừ... nhãn hiệu.
Cách tránh hàng giả
Theo L., kỹ thuật viên tại một trung tâm bảo hành điện thoại, việc phân biệt điện thoại thật - giả không quá khó nhưng do tâm lý đa số người VN chuộng giá hơn xem trọng chất lượng nên khi thấy các điện thoại “sang trọng” nhưng giá bán rẻ là quyết định mua ngay mà ít quan tâm chất lượng máy. Cũng theo L., điện thoại giả có hình dáng rất bắt mắt nhưng tốc độ máy chậm một cách bất thường. Vì thế, trước khi mua điện thoại, hãy kiểm tra máy thật kỹ bằng cách mở máy và kích hoạt tính năng chơi game, chọn một vài game rồi chơi khoảng 2 phút mỗi game. Nếu máy chạy ổn định, tốc độ chơi đều và phím nhạy thì hãy kiểm tra tiếp bằng cách truy cập vào gian hàng trực tuyến của hãng điện thoại đó (Nokia là Ovi store, iPhone là iTunes store...), công cụ nhận diện phiên bản điện thoại tại đó sẽ cho biết đó là máy giả hay máy thật.
Dò kỹ từ website chính hãng Các nhân viên bán hàng tại một số siêu thị phân phối điện thoại chính hãng khuyên: Trước khi mua, bạn nên tham khảo máy ở nhiều nơi, sau khi chọn được loại ưng ý, đừng vội móc hầu bao ngay mà nên về nhà, lên mạng truy cập vào website của chính hãng kiểm tra lại thông tin về dòng điện thoại đó xem có phải là đồ giả hay không, cấu hình có giống với thiết kế không..., rồi mới quay lại mua. Thực tế cho thấy những người mua điện thoại vội vàng thường gặp phải loại chất lượng kém, mau xuống cấp hoặc hay bị trục trặc... |