Có những khách hàng khi nhận hoá đơn tiền điện của "ông nhà đèn" liền rút tiền thanh toán ngay, nhưng không để ý có độ chênh lệch số điện trên hoá đơn với số đo điện trên đồng hồ. Điều này có thể dẫn đến khách hàng bị mất tiền oan mà không biết.
Nếu không đối chiếu số điện trên hoá đơn với số điện trên đồng hồ, khách hàng sử dụng điện có thể mất tiền oan và gặp các rắc rối về sau. Ảnh minh hoạ: SGTT |
Theo phản ánh của một số bạn đọc Sài Gòn Tiếp Thị, tháng 6.2010 các hộ gia đình này ở TP.HCM thường có mức sử dụng điện rất cao (trên 400kW/tháng) do thời tiết nắng nóng bất thường. Đến tháng 7.2010 thì tình hình thời tiết mát mẻ hơn do bước vào mùa mưa nên lượng điện sử dụng cũng ít hơn (khoảng từ 120-200kW/tháng).
Theo đó, do có công việc riêng hoặc phải đi công tác, nhà đóng cửa nên tháng 7.2010 các nhân viên điện lực không thể ghi số điện. Và hoá đơn tiền điện của tháng 7.2010 được tính bằng với tháng 6.2010. Nếu không đối chiếu số điện trên hoá đơn với số điện trên đồng hồ, khách hàng sử dụng điện có thể mất tiền oan và gặp các rắc rối về sau.
Nhận định vấn đề này, ông Nguyễn Anh Vũ, trưởng ban Quan hệ cộng đồng Điện lực TP.HCM nói: "Với các trường hợp nhân viên điện lực không ghi được số điện do khách hàng bận công việc thì nhân viến sẽ quay lại vào một thời điểm khác. Tuy nhiên, nếu khách hàng vẫn không có ở nhà dù nhân viên điện lực đã đến nhiều lần thì số điện của tháng sẽ được tính bằng số điện của tháng trước theo quy định của ngành điện."
Ông Vũ cũng cho biết các trường hợp nói trên sẽ được điều chỉnh nếu khách hàng thông báo và yêu cầu rã hoá đơn tiền điện cũ, xác nhận số điện tiêu thụ thực tế và làm lại hoá đơn mới.
Ông Huỳnh Trí Dũng, trưởng phòng kinh doanh tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: "Nếu nhân viên điện lực đề nghị khách hàng sử dụng điện im lặng và tự thanh toán tiền điện cho khách hàng số điện dư ra cho các tháng sau cũng không đúng, vì điện được tính bằng hệ số luỹ tiến. Nghĩa là càng xài nhiều giá điện càng cao nên khoản luỹ tiến đó khách hàng sẽ chịu thiệt. Với các trường hợp này, khách hàng nên báo lên tổng công ty để chúng tôi xử lý nghiêm. Ví dụ có một khách hàng sử dụng trung bình 200kW điện/tháng và bị ghi khống một lần với mức 400kW/tháng. Nhân viên điện lực có thể thoả thuận với khách hàng để trả số tiền 200kW điện dư ra vào các tháng tiếp theo nhưng 200kW này chưa được tính giá luỹ tiến. Nghĩa là giá điện luỹ tiến của 400kW thì khách hàng phải gánh chịu".
Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết thêm, khách hàng sẽ không cần phải cầm hoá đơn đến điện lực địa phương để giải quyết mà chỉ cần báo qua điện thoại là nhân viên điện lực sẽ đến tận nhà để thoả thuận. "Chỉ cần gọi đến điện lực địa phương theo số điện thoại trên hoá đơn báo mã số khách hàng, địa chỉ thì nhân viên điện lực sẽ phải đến nhà khách hàng để điều chỉnh lại hoá đơn cho chính xác. Thậm chí, với các trường hợp bận rộn, khách hàng có thể yêu cầu nhân viên điện lực đến ngoài giờ làm việc để giải quyết yêu cầu của mình", ông Vũ nhấn mạnh.
(Theo Mai Quốc Ấn // SGTT Online)