Hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 40%) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập (khoảng 44%) - Ảnh: Việt Tuấn. |
Hiện nay, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra đang dư thừa nhưng việc tiêu thụ lại rất khó khăn do mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối chưa thực sự chặt chẽ mà chủ yếu là theo hướng tự phát.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối vì người tiêu dùng Việt Nam", do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) kết hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/8.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, Bộ Công Thương trước đây quá chú trọng đến đẩy mạnh xuất khẩu nên chỉ có Chương trình xúc tiến xuất khẩu, cho tới năm 2009 mới có Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước một cách rõ ràng và cụ thể. Nhờ đó mà hiệu quả của hàng Việt tại thị trường nội địa có thể định lượng, đo đếm được bằng số lượng các doanh nghiệp tham gia, số lượng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng trên cả nước, đặc biệt là các khu vực thị trường nông thôn.
Tuy nhiên, cần phát triển chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước thành một chương trình dài hạn, nếu các cơ quan nhà nước chỉ tạo cú hích rồi để tự phát triển thì chắc chắn sẽ bị đứt đoạn.
Trên thực tế, hàng hóa đến tay người tiêu dùng chủ yếu vẫn qua hệ thống chợ (khoảng 40%) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ độc lập (khoảng 44%), lượng hàng hóa phân phối thông qua các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại 6% là do nhà sản xuất trực tiếp bán thẳng.
Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển đổi dần thói quen mua sắm từ các chợ sang các siêu thị, các cửa hàng lớn và các trung tâm mua sắm. Trước xu hướng các kênh bán lẻ truyền thống sẽ bị thu hẹp dần, nhường chỗ cho các kênh mua sắm hiện đại, nhiều doanh nghiệp sản xuất, thương mại của Việt Nam đã sớm quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển hệ thống phân phối hiện đại tại khu vực thành thị, hệ thống bán hàng của doanh nghiệp tại khu vực nông thôn chưa được bao kín và hoạt động kém hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành khối sản phẩm dịch vụ cao cấp, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chỉ rõ, điều đáng chú ý là sự liên kết giữa các nhà sản xuất và các doanh nghiệp thương mại của Việt Nam để tạo thành một kênh phân phối thống nhất hợp lý cung cấp hàng hóa cho thị trường nông thôn còn rất hạn chế, chủ yếu là mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp sản xuất, thương mại lớn chưa đóng vai trò là nơi phát nguồn, là người bán buôn trực tiếp cho thị trường nông thôn. Việc sử dụng các chủ thể kinh doanh tại chỗ làm đại lý bán hàng còn nhiều bất cập, các chủ hộ kinh doanh còn trực tiếp lên các thành phố để lấy hàng.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cảnh báo rằng, nếu thiếu những cái bắt tay, hợp tác giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam để cùng phát triển thì các tập đoàn phân phối, bán lẻ nước ngoài đang mở rộng mạng lưới phân phối ở Việt Nam sẽ nhanh chóng thế vào vị trí này để chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Hiện nay, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra đang dư thừa nhưng việc tiêu thụ lại rất khó khăn do mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với nhà phân phối chưa thực sự chặt chẽ mà chủ yếu là theo hướng tự phát.
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác thành công, đại diện của Hapro cho biết, hồi đầu năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Hapro Mart hàng Việt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70%. Sau một năm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với định hướng ưu tiên những hàng hóa nội địa có chất lượng, có thương hiệu thay thế hàng ngoại nhập, Hapro Mart đã tăng cường liên kết với các nhà sản xuất trong nước, nâng tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ Hapro Mart lên khoảng 75 – 80%, đặc biệt đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu đạt tới 95% là hàng nội. Theo đó, doanh thu cũng tăng thêm khoảng 20 – 30% so với năm trước đó.
Ông Trương Quang Hoài Nam cho rằng, một điều quan trọng là các bộ, ngành liên quan phải hình thành nên một hệ thống thông tin thị trường cung cấp cho doanh nghiệp, kết nối thông tin cho tất cả những doanh nghiệp với người bán lẻ. Ví dụ như đối với hàng nông sản thì phải nắm được thông tin vùng nào, xã nào, bán mặt hàng nào, ai là người bán để hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp khi cần thiết.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm BSA cũng chỉ ra những điều mà WTO bật “đèn xanh”, không cấm như cung cấp thông tin thị trường, cung cấp các dịch vụ huấn luyện, đào tạo, tổ chức các chương trình bán hàng chung cho doanh nghiệp... vẫn chưa được Việt Nam làm thật mạnh và hiệu quả. Trong khi đó, nhiều nhà phân phối của Việt Nam đang định hướng sẽ tập trung phát triển hoạt động phân phối hàng hóa, đặc biệt là hàng Việt Nam có chất lượng, có thương hiệu, tại khu vực thị trường nông thôn, làm bước đệm để hình thành và phát triển hệ thống văn minh, hiện đại, phục vụ thường xuyên, rộng khắp tại nông thôn.
Cùng nằm trong giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, chỉ thông qua liên kết, hợp tác các doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại thị trường trong nước, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu mạnh để có thể đưa sản phẩm vươn ra thị trường nước ngoài. Để thực hiện được điều này, trước hết, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối cần ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, sau đó cùng phối hợp triển khai các chương trình hành động cụ thể để chiếm lĩnh lại thị trường nội địa.
(Theo Vneconomy)