Giá gas vừa được tăng thêm 14.000 đồng, lên mức 343.000 đồng/bình 12kg. Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là do nguồn cung từ nhà máy lọc dầu Dung Quất bị gián đoạn. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy.
Thực tế nguồn gas của Dung Quất bị gián đoạn có ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên không đến nỗi khan hàng. Ảnh: TL SGTT |
Theo ông Nguyễn Sỹ Thắng, chủ tịch hiệp hội gas Việt Nam, gas nội đang chiếm 40% thị phần trong nước, chia đều cho hai nhà máy Dung Quất và Dinh Cố. Hầu hết lượng gas này được phân phối ở miền Trung và miền Nam với khoảng hơn 10.000 tấn/tháng. Có nghĩa là việc gián đoạn nguồn cung từ Dung Quất chỉ khiến thị trường thiếu hụt khoảng 5.000 tấn. Đây là một khối lượng không lớn và các doanh nghiệp đầu mối hoàn toàn có thể đảm đương, nếu Dung Quất chỉ gián đoạn khoảng 2 – 3 tuần.
Hiệp hội Gas Việt Nam đã có văn bản kêu gọi các doanh nghiệp không tăng giá, song cho đến thời điểm này chỉ có PV Gas và Petrolimex Gas hưởng ứng.
Hàng có thiếu?
Với lý do nguồn cung của tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, phân phối gas từ nhà máy lọc dầu Dung Quất) bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp (chủ yếu ở khu vực phía Nam) đã tăng thêm 14.000 đồng cho mỗi bình gas 12kg từ ngày 26.3. Theo ông Đỗ Trung Thành, phó phòng kinh doanh gas, công ty TNHH một thành viên TP.HCM (Saigon Petro), mặc dù tỷ lệ gas Dung Quất chiếm rất ít trong tổng lượng gas bán ra của doanh nghiệp này, song do những thương hiệu khác bị hết hàng nên áp lực hàng dồn qua Saigon Petro. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Saigon Petro phải nhập thêm hàng với giá của tháng 4. Đại diện của Saigon Petro cho biết, mặc dù chưa biết giá gas giao trong tháng 4 là bao nhiêu, nhưng giá gas thế giới đang ở mức gần 900 USD/tấn, tăng khoảng 50 USD/tấn so với giá gas giao trong tháng 3. Do đó, doanh nghiệp này phải tăng giá bán theo giá dự đoán trong tháng 4.
Ông Nguyễn Quang Trung, tổng giám đốc của MT Gas cho biết, doanh nghiệp bị cắt 10% sản lượng, tương đương 400 tấn trong hợp đồng của tháng 4, trong khi doanh nghiệp này không nhập gas từ Dinh Cố. Lượng gas mà MT gas hợp đồng với đơn vị nhập khẩu (PV Gas) trong tháng 3 đã được thực hiện xong.
Tuy nhiên, hợp đồng trong tháng 4 thì đang bị trục trặc về thời gian giao hàng. Ông Trung cho biết, thông thường PV Gas sẽ giao gas vào đầu tháng, nhưng tháng tới, MT Gas phải chờ đến giữa tháng mới có hàng. MT Gas đã phải chủ động tìm nguồn hàng khác để bù đắp cho tình trạng chậm trễ này. Điều này cho thấy, hiện tượng khan hàng nếu xảy ra chỉ có thể xảy ra trong tháng 4. Bên cạnh đó, ông Trung cho biết, để nhập những lô hàng đột xuất, doanh nghiệp phải đợi ít nhất 15 ngày. Có nghĩa là nếu doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thì cũng phải đầu tháng 4 mới có gas để bán.
Bà Trần Ngọc Phúc, chủ đại lý gas Phương trên đường Hồ Học Lãm (An Lạc, Bình Tân, TP.HCM) cho biết: “Tôi không hề nghe các nhà phân phối nhắc gì đến việc khan hàng. Thậm chí, sáng nay (27.3) khi tôi gọi điện đặt hàng, một doanh nghiệp còn năn nỉ tôi lấy thêm”.
Người tiêu dùng lãnh đủ
Theo nhận định một doanh nghiệp, thực tế nguồn gas của Dung Quất bị gián đoạn có ảnh hưởng đến thị trường, tuy nhiên không đến nỗi khan hàng. Việc tăng giá gas vừa qua được doanh nghiệp này giải thích là nhằm hạn chế gas công nghiệp, hiện chiếm 60% thị trường. Ông Chu Văn Đức, giám đốc Thủ Đức gas cho rằng, đơn vị cung cấp gas cho doanh nghiệp này cũng vừa thông báo cắt giảm 10% lượng hàng trong tháng 3, tương đương 80 tấn. Để bù đắp phần thiếu hụt này, Thủ Đức gas đành hạn chế lượng bán ra, chỉ ưu tiên cho khách hàng cũ. “Hợp đồng được ký từ đầu tháng, nhưng doanh nghiệp đầu mối vẫn tăng giá, buộc chúng tôi phải tăng giá theo. Chúng tôi chẳng thiệt hại gì. Người tiêu dùng lãnh hết”, một doanh nghiệp cho biết.
Một số doanh nghiệp cho rằng, vì nhập khẩu đột xuất nên giá được áp dụng trong tháng tới. Sau đó khi có giá chính thức doanh nghiệp sẽ tính toán lại với tổng đại lý. Nếu giá gas thế giới giao trong tháng 4 không tăng cao như dự kiến của các doanh nghiệp nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ bị thiệt 14.000 đồng/bình gas 12kg. Số tiền này sẽ chảy vào túi của các tổng đại lý, bởi họ sẽ được tính toán lại giá thực tế trong tháng 4.
(Theo Ca Hảo/sgtt)