Theo số liệu được công bố ngày 26/1, mức tăng giá trung bình của 11 nhóm mặt hàng trong rổ hàng hóa trong tháng đầu năm 2010 là 1,36%. So với cùng kỳ năm 2009, mặt bằng giá tiêu dùng cả nước tăng 7,62%.
Như vậy, tuy Tết Âm lịch đã cận kề nhưng giá cả các mặt hàng quan trọng lại có xu hướng tăng chậm lại (mức tăng trong tháng 12/2009 là 1,38%), khiến cho áp lực lạm phát phần nào giảm bớt trong giai đoạn đầu năm 2010.
Xét theo cơ cấu rổ hàng hóa, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giữ quyền số 39,93% trong công thức tính CPI) có mức tăng 2,11%, cao hơn so với tốc độ 2,06% của tháng 12/2009. Đáng chú ý là phân nhóm lương thực có mức tăng cao nhất (4,41%), nhóm thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng không đáng kể.
Trong tháng 1, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng xăng dầu khiến mặt bằng giá ở khu vực giao thông vận tại tăng trở lại (0,53%) sau khi giảm nhẹ trong tháng 12. Duy nhất nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm giá so với cùng kỳ tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng giá 1,66% do giá cả vật liệu tăng vào cuối năm khi nhiều công trình phải thi công “chạy Tết”.
Trong cả nước, một số địa phương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ như Khánh Hòa, Gia Lai, An Giang… có mức tăng CPI khá cao, trên mức trung bình của cả nước. Tại các đô thị lớn, tốc độ tăng giá hàng hóa tại Hà Nội đạt 1,3%, TP HCM đạt 1,27%, Hải Phòng đạt 1,42%.
Trong khi CPI tăng chậm, giá vàng và đôla Mỹ có dấu hiệu giảm nhẹ do tác động của các chính sách mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Giá vàng trong tháng 1/2010 chỉ tương đương 97,06% mức giá của tháng 12/2009. Con số tương ứng của USD là 99,89%.
(VNexpress)