Rõ ràng, đối với một nền kinh tế có độ mở đầu vào nhập khẩu lớn như nước ta, trong đó riêng nhóm hàng nguyên liệu nhập khẩu hiện chiếm khoảng 40% “rổ hàng hoá nhập khẩu” (còn nhóm hàng xăng dầu chỉ chiếm khoảng 20%), thì việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh như vậy, đương nhiên đồng nghĩa với “nhập khẩu sự sốt nóng giá cả thế giới”. Giả định, nếu như kết cấu “rổ hàng hoá nguyên liệu nhập khẩu” của nước ta giống như “rổ hàng hoá nguyên liệu” của thế giới, thì trong tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 7 tỷ USD trong tháng 6/2010 có 2,8 tỷ USD là nguyên liệu, cho nên để nhập khẩu được khối lượng nguyên liệu không thay đổi trong tháng 7, các doanh nghiệp (DN) đã phải chi thêm 157 triệu USD, còn cũng để nhập khẩu được khối lượng nguyên liệu không thay đổi đó trong tháng 8 thì phải tăng chi tới 292 triệu USD so với tháng 6 (tháng 8 tăng 135 triệu USD so với tháng 7). Việc các DN và hiệp hội ngành hàng “kêu la” về giá nguyên liệu nhập khẩu tăng chính là xuất phát từ thực tế này.
Có thể khẳng định rằng, đây là nguyên nhân khách quan bất khả kháng tác động rất tiêu cực đến những nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng của nước ta. Hiển nhiên, các DN sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu này để sản xuất hàng hoá phục vụ cho thị trường trong nước không thể chuyển tức thời toàn bộ các khoản “sốt nóng giá nguyên liệu thế giới nhập khẩu” này lên vai người tiêu dùng. Cho nên, thực tế này cũng chưa được thể hiện đầy đủ trong mức tăng của giá tiêu dùng trong thời gian qua, song một phần trong số còn lại sẽ còn tiếp tục được thể hiện.
Bên cạnh việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh như nói trên, việc giá không ít mặt hàng xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong tháng 8 vừa qua đương nhiên cũng kéo theo giá cả trong nước tăng theo. Tác nhân này cũng gây khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu kiềm chế giá tiêu dùng. Nổi trội nhất trên phương diện này chính là việc giá lương thực tăng đột biến trong tháng 8. Theo số liệu thống kê của WB, trong tháng 8/2010, giá lương thực trên thị trường thế giới đã tăng 9,61%. Có thể nói, cho dù tác nhân này đã góp một phần trong việc đẩy giá tiêu dùng trong tháng 8 tăng, nhưng tác dụng đẩy giá tiêu dùng trong tháng 9 tăng sẽ còn tiếp tục, một phần là do giá tiêu dùng tháng 8 chỉ bao quát một nửa thời gian của tháng này, cho nên phần còn lại sẽ được tính vào tháng 9.
Ngoài ra, việc giá lương thực thế giới tăng sẽ đẩy giá mặt hàng thức ăn chăn nuôi tăng và tiếp theo, giá thực phẩm cũng sẽ tăng. Hơn nữa, việc tăng tỷ giá USD/VND gần 2,1% đúng vào thời điểm giá hàng hoá xuất, nhập khẩu tăng mạnh như nói trên khiến cho cuộc chiến chống lạm phát càng trở nên khó khăn hơn, bởi riêng yếu tố tỷ giá này đã làm cho giá của toàn bộ “rổ hàng hoá tiêu dùng” tăng thêm 0,027%.
Nói tóm lại, trong bối cảnh có nhiều yếu tố “cộng hưởng” lẫn nhau cùng đẩy giá tiêu dùng tăng, trong đó giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh là “thủ phạm chính”, thì việc kiềm chế ở mức tăng thấp có lẽ là điều duy ý chí. Thực tế giá tiêu dùng tháng 9 của các năm 2005, 2007 và 2009 đều tăng khá, tương ứng 0,80%, 0,51% và 0,62%, khi mà giá nguyên liệu thế giới cũng đồng thời tăng mạnh và ngược lại, chỉ tăng khiêm tốn 0,3% trong tháng 9 của 2 năm 2004 và 2006, thậm chí chỉ tăng thấp 0,18% trong tháng 9/2008.
Nói cách khác, nếu giữ được giá tiêu dùng chỉ tăng ở mức 0,3-0,4% trong tháng 9 này, các nhà quản lý sẽ xoá được một “thông lệ” đáng lo ngại trong ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta suốt hàng chục năm qua.
(Theo Nguyễn Đình Bích // Báo đầu tư)