Theo ông Rockly Liu, Giám đốc Huawei Device tại Việt Nam, với việc khai trương cửa hàng này, sản phẩm của Huawei Device không chỉ được cung cấp cho các nhà mạng, mà còn phục vụ người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Việt Nam. Trong năm 2009, thông qua các nhà mạng Việt Nam, Huawei đã bán được hơn 2,5 triệu điện thoại di động cho khách hàng bản địa và dự kiến trong năm nay, mức tiêu thụ sẽ tăng mạnh khi 3G được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Cuối quý I/2010, Dell cũng đã bước đầu tham gia lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại thị trường Việt Nam thông qua các chuỗi Dell Kios được mở cùng các đối tác trong nước như Viettel, Thế giới di động. Tính đến thời điểm này, số lượng Dell Kios đã lên đến con số gần 60.
Ông Trần Đức Trung, Giám đốc Kinh doanh bán lẻ của Dell tại thị trường Việt Nam cho biết, hãng này dự định sẽ mở khoảng 100 Dell Kios bán hàng tại thị trường Việt Nam. Theo ông Trung, Dell Kios là đầu tư mạo hiểm, là thử nghiệm của Dell đối với thị trường Việt Nam và cũng có thể coi đây là bước thăm dò thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam
Nhận định trên của ông Trung được khẳng định thêm qua bình luận của giám đốc marketing một công ty chuyên phân phối trong lĩnh vực thiết bị điện tử - viễn thông có trụ sở tại Hà Nội, khi cho rằng, việc mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các ki-ốt bán thiết bị điện tử, viễn thông cho người dùng cuối của Huawei và Dell có thể xem là một động thái tìm hiểu cơ hội tham gia lĩnh vực phân phối bán lẻ máy tính và thiết bị viễn thông của hai hãng này tại Việt Nam.
"Huawei và Dell mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm để thăm dò, khảo sát xem mô hình kinh doanh này có hiệu quả không. Nếu thấy hiệu quả, họ có thể sẽ nhân rộng mô hình", vị giám đốc trên nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trung và vị giám đốc marketing nói trên, việc các hãng máy tính nước ngoài trực tiếp tham gia thị trường phân phối bán lẻ của Việt Nam chưa thể diễn ra trong 2 - 3 năm tới, mặc dù theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, họ đã được phép thành lập công ty 100% trong lĩnh vực này.
Theo lý giải của vị giám đốc marketing nói trên, việc tham gia lĩnh vực phân phối bán lẻ của các hãng máy tính nước ngoài tại Việt Nam còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh toàn cầu của hãng, chứ không chỉ phụ thuộc vào việc Việt Nam cho phép mở công ty 100% nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đơn cử, Lenovo có chiến lược sử dụng các nhà phân phối nội địa để tiếp cận thị trường Việt Nam. Điều này, được chính ông Kyler Tan, Tổng giám đốc Lenovo tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư trong cuộc trao đổi gần đây. Trong khi đó, với Dell, HP và Acer, trực tiếp phân phối và bán lẻ là một phần trong chiến lược kinh doanh của hãng.
Còn theo ông Trung, tham gia lĩnh vực phân phối bán lẻ tại Việt Nam không phải chuyện đơn giản, đặc biệt là việc tìm mặt bằng bán lẻ. Hiện tại Việt Nam rất khó tìm được mặt bằng bán lẻ đủ lớn và thuận tiện về giao thông, đáp ứng được yêu cầu của mô hình bán lẻ hiện đại của các nhà phân phối nước ngoài.
(Theo Huyền Anh // Báo đầu tư)