Nghiên cứu của BSA (Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN) mới đây cho thấy, tại nhiều chợ truyền thống, hàng VN được đánh giá cao và tin tưởng hơn so với hàng nhập giá rẻ. Tuy nhiên, khi hỏi dấu hiệu nào để nhận biết được hàng Việt thì hầu hết người tiêu dùng đều bối rối.
Lãng phí kênh phân phối
Người tiêu dùng thường chỉ dựa vào một số yếu tố để nhận biết như: kinh nghiệm, tên nhãn hiệu, có tiếng việt trên bao bì hoặc thông qua lời kể của người bán. Ông Đỗ Xuân Thủy - TGĐ Cty cổ phần Đồng Xuân cho biết, chợ Đồng Xuân, với vai trò là chợ đầu mối bán buôn lớn, mỗi ngày lượng hàng hóa luân chuyển từ 15 - 20 tấn đến các vùng miền trong cả nước, nhưng hiện hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc với các sản phẩm như đồ lưu niệm, đồ chơi, đồ điện tử, điện thoại, vali cặp sách…, chiếm tới 90% thị phần. Còn những mặt hàng tạp phẩm, vải sợi, quần áo may sẵn… chiếm đến 70% và phần còn lại là hàng hóa của một số cơ sở tư nhân trong nước. Đối với các sản phẩm hàng Việt chỉ có chủ yếu là gạo, rau, quả và hàng tươi sống.
Trước thực trạng đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế hàng ngoại lấn chiếm tại các chợ truyền thống như hiện nay cho thấy, chúng ta đang lãng phí một kênh phân phối lớn, bởi chợ truyền thống vẫn đang chiếm tới 80% kênh phân phối hàng hóa tại VN. Vị chuyên gia này đơn cử, tại chợ Đồng Xuân với hơn 2.000 hộ kinh doanh, mỗi ngày lượng tiền luân chuyển trong chợ khoảng 40 tỉ đồng là kênh phân phối quan trọng đến các tỉnh, thành phố phía Bắc. “Đây sẽ là nguy cơ làm mai một hàng Việt trong tâm trí người tiêu dùng VN”, vị chuyên gia này nhận định.
Chiếm lại sân nhà”
Hiện tại chúng ta đang phải làm một việc rất khó khăn là đưa hàng Việt vào chiếm lĩnh lại chợ truyền thống do một thời gian dài bỏ quên. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN VN chất lượng cao chia sẻ rằng, mặc dù khó nhưng vẫn phải làm vì đến năm 2015 khi Hiệp định ASEAN + 1 có hiệu lực thì hàng hóa Trung Quốc và các nước trong khu vực có thuế suất 0% sẽ tràn ngập chợ và các nơi. Vì vậy, các nhà sản xuất phải phối hợp với chợ truyền thống và người kinh doanh mà cốt lõi là đưa ra chính sách bán hàng như thế nào để tiểu thương cảm thấy có lợi - bà Hạnh cho biết.
Các nhà sản xuất trong nước thường hướng đến thị trường xuất khẩu hoặc đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị mà lãng quên chợ truyền thống. |
Cùng quan điểm với bà Hạnh, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hơn lúc nào hết, các DN trong nước cũng cần phải quan tâm xây dựng mối liên kết với DN quản lý chợ trong việc tạo dựng các kênh phân phối nhiều tầng, trong việc sắp xếp hàng hóa và bố trí ngành hàng tại chợ, tạo kênh phân phối đa dạng. Chẳng hạn, trong việc bày bán sản phẩm, nếu có mối liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối, các hộ kinh doanh tại chợ sẽ bày bán sản phẩm VN lên những vị trí thuận lợi cho khách hàng quan sát, lựa chọn...
Từ góc độ của một DN cung ứng khối lượng hàng hóa lớn ra thị trường ông Mai Thanh Tuấn - TGĐ Cty cổ phần quốc tế Hải Lộc cũng thẳng thắn nhận định rằng, DN trong nước cần chú trọng hơn đến đối tượng thu nhập thấp thông qua xây dựng kênh phân phối tại các chợ truyền thống nói chung. Hiện các nhà sản xuất trong nước thường hướng đến thị trường xuất khẩu hoặc đưa hàng vào các trung tâm thương mại, siêu thị chứ không giao hàng đến chợ truyền thống. Vì lẽ đó mà người tiêu dùng ít có cơ hội tiếp cận các sản phẩm VN.
Vì sao hàng Việt ít được tiểu thương ở chợ truyền thống lựa chọn ? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ VN nhấn mạnh rằng: ”Có bốn nguyên nhân khiến hàng Việt “lép vế” tại các chợ truyền thống: Thứ nhất là vì hàng hóa nước ngoài đặc biệt là hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp, bắt mắt giá cả lại phải chăng hợp với thị hiếu của những tầng lớp có thu nhập trung bình và thấp. Thứ hai, do DN trong nước hiện còn yếu kém về tiếp thị PR, hàng hóa đến tận nơi các nhà phân phối. Vì vậy, không đến được phân khúc thị trường theo sức mua và khả năng thanh toán tốt. Thứ ba, DN Việt quá say mê sản xuất hàng để xuất khẩu mà không chú trọng sản xuất cho thị yếu, nhu cầu khách hàng trong nước. Nếu đem hàng xuất khẩu để bán trong nước thì không phù hợp với thị hiếu người VN vì thói quen tiêu dùng. Thứ tư, hệ thống lưu thông hàng hóa còn nhiều vấn đề bất cập. Cơ chế chính sách, chiến lược quản lý nhà nước chưa tốt, chưa ổn định, liên tục thay đổi, không có kế hoạch dài hạn. Đồng quan điểm trên của ông Ruệ, bà Ngô Thị Hoàng Mai - Phó Tổng giám đốc Cty CP chế biến thủy hải sản Liên Thành Thật cũng phân tích, thực sự tiểu thương tại không ít chợ truyền thống vẫn chưa quan tâm đến cách trình bày hàng hóa sao cho bắt mắt, vấn nạn nói thách rồi không quan tâm đến chăm sóc khách hàng, bán hàng không rõ nguồn gốc, bội tín… đã góp phần làm cho người tiêu dùng chưa mặn mà khi mua sắm tại chợ nói chung và tiếp cận hàng Việt nói riêng. Mặt khác, một số DN khi được hỏi đều cho rằng, chợ truyền thống luôn là thị trường hấp dẫn, song một thực tế là hàng hóa ở đa số chợ hiện nay khá “bát nháo” với đủ loại xuất xứ và chất lượng không đảm bảo. Do đó xuất hiện tâm lý sợ mang tiếng là “hàng chợ” ở các DN đã có tiếng tăm về hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng may mặc, tiêu dùng. |
(Theo dđdn)