Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khủng hoảng... osin

Chưa nói đến chuyện thu nhập cao hay không, nhưng trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, lạm phát mấy năm gần đây, nghề được coi là thu nhập ổn định, được trọng vọng có lẽ không nghề nào khác ngoài… nghề giúp việc.
 
 
Trong câu chuyện những ngày đầu năm mới của giới kinh doanh, công chức, văn phòng… tìm osin luôn là câu chuyện “nóng” hơn bao giờ, còn hơn cả chuyện các ngành da giày, dệt may sống dở, chết dở vì khủng hoảng lao động.

Cháy hàng

Đã đi làm được mấy ngày mà anh T, quận Ba Đình vẫn không thể nào tìm được giúp việc, anh đành tìm đến trung tâm mối giới giúp việc ở Cầu Giấy. Anh cũng đã tốn kha khá tiền ở Trung tâm này để tìm giúp việc nên cũng khá thân tay Giám đốc (mỗi giúp việc thu 600 ngàn).

Anh kể, tuần trước, sau khi anh điện thoại tìm giúp việc, tay này gọi báo có một em ô sin đủ tiêu chuẩn tôi “mơ ước”: Tuổi hơn 40, biết đi xe máy, nhanh nhẹn, nhìn mặt cũng…thánh thiện. Tôi vội lao xe đến, hỏi han “lý lịch trích ngang” một hồi rồi “rước” ngay về.

Đúng là Trời không phụ lòng người (mất tiền môi giới nhiều), em ô sin này thuộc diện “chuẩn không cần chỉnh” so với những giúp việc đã đi qua nhà anh T. Nhà cửa luôn sạch, cơm nóng sốt, con cái thì tung tăng xe máy đưa đón vù vù. Được một tuần quen quen, “nàng” bộc bạch: Em đi làm cốt lánh nạn thôi, tại chồng em cứ rượu vào là đánh em thẳng tay, chứ em kiếm tiền chả thua ai cả.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó – anh kể tiếp: “Một hôm, bà hàng xóm kéo tôi lại nói nhỏ: Ô sin nhà chú tài lắm, biết cả xem bói, ối người đến xem rồi đấy. Chết thật! Thảo nào “nàng” dùng cả 2 máy điện thoại, những cuộc đàm thoại toàn nói về ngày tốt, xấu, duyên số, cưới xin…Thi thoảng trong nhà còn có hộp bánh, hay cân hoa quả. Tôi hỏi “nàng” thừa nhận hết. “Nàng” bảo kiếm tiền tươi nhanh nhất bây giờ là …nghề bói, mà “nặng đĩa” (tiền đặt trên đĩa) nhất là ở Hà Nội. Tưởng người Thủ đô thế nào, ngồi trước mặt em là đều ngơ ngơ xì tiền ra hết, anh không biết thôi em mới đến nhà anh mà có hôm kiếm được mấy trăm bạc. Hóa ra mấy ngày đầu năm, tôi bắt “thầy” lau nhà, rửa bát…“thất lễ” quá. Vậy là đành đưa “thầy” lại nhà cho lành !

Thế là mấy hôm nay, anh sùng sục đi tìm osin, rao hết cả bạn bè, người quen, cả trung tâm mà cũng chỉ nhận được câu: để hỏi ai xem...

Osin chọn chủ chứ không phải chủ chọn osin

Chị Nguyễn Hồng Nhung, hiện đang làm Tổng cục thuế hồ hởi vì vừa tìm được osin qua một người bạn học thời phổ thông. Chị coi đây là một sự may mắn vô cùng vì thời điểm này, rất nhiều người, trong đó có gia đình em gái chị cũng đang chạy đôn chạy đáo kiếm osin mà không được.

Osin nhà chị Nhung tên Vân, người Thái Bình, sinh năm 1974, gọn người, xinh xắn, và đặc biệt có kinh nghiệm 10 năm trong nghề, trong đó có mấy năm xuất khẩu lao động bên Đài Loan.

Trước khi đến với nhà chị Nhung, chị Vân được giới thiệu làm cho một chị trưởng phòng Cty liên doanh, nhưng vì chồng chị này hay nhậu nhẹt, say liên miên, chị Vân không yên tâm nên xin nghỉ.

Trộm nghĩ, đúng là thời buổi này, làm công chức xin nghỉ còn phải đắn đó, suy nghĩ nát óc, lo thất nghiệp, nhưng riêng nghề giúp việc thì không phải … lăn tăn. Ngay khi chị Vân xin nghỉ, đã có 2 địa chỉ khác gọi mời, chủ yếu đều thông qua “đồng nghiệp” cùng quê Thái Bình. Sau khi cân nhắc một gia đình trả lương 3,5 triệu, nhà biệt thự, gia đình có 2 vợ chồng và hai cháu nhỏ, chị chủ nhà chuẩn bị sinh đứa con thứ 3 và cũng khá kỹ tính, chị Vân quyết định chọn gia đình chị Nhung, tuy lương thấp hơn, chỉ 2,5 triệu nhưng nhà ở tập thể Trung Tự, trên một mặt bằng, tiện lau dọn. Nhà chị Nhung lại chỉ có 2 con nhỏ, trong đó cháu lớn đã học mẫu giáo gần nhà.

Giành giật nhân sự

Chính sự khan hiếm osin so với nhu cầu của các gia đình, đặc biệt các gia đình khá giả tại các thành phố lớn, lương osin trong những năm gần đây không ngừng leo thang chóng mặt, cao hơn cả chỉ số giá CPI mỗi năm. Cụ thể, chỉ cách đây 2 năm, lương osin dao động từ 800 nghìn – 1 triệu, thì mức lương đầu năm 2012 phổ biến ở mức 2,5 triệu, chưa kể chi phí nhà chủ “đương nhiên” trả cho osin như tiền ăn, ở, sinh hoạt, thậm chí cả đồ dùng cá nhân, quần áo, quà cáp…

Chị P.T.G.B, Cty sữa Sữa Dutch Lady được bạn bè coi là: có cung nô bộc, từ ngày xây dựng gia đình đến nay có 2 cháu nhỏ đã 7 năm, chị mới phải tuyển đến người giúp việc thứ 2. Chị cho biết, sau khi người giúp việc đầu tiên làm việc đến cái tết thứ 5 năm xin nghỉ. Chị tranh thủ thuê người giúp việc – vốn là của nhà hàng xóm trong dịp tết khi họ không có nhu cầu. Chị B tính xởi lởi, dễ thông cảm, lại có nhã ý trả lương cao hơn hẳn (Lúc đó trung bình các nhà trả 1, 5 triệu/tháng, chị đã “phá rào”, trả hẳn 2, 5 triệu). Và người giúp việc không ngần ngại từ chối, chuyển hẳn luôn sang làm cho nhà chị B.

Chị B thừa nhận, việc dùng lương dụ dỗ osin đang làm cho nhà khác đến nhà mình vẫn biết là không hay, nhưng cực chẳng đã, vì không có cách nào khác. Điều quan trọng là sau khi dụ được người ta về, mình phải có thái độ hành xử chừng mực, cảm thông, chia sẻ thì mới có thể giữ chân được người ta. Tất nhiên, quan hệ này bền vững còn là “cái duyên” của osin với gia chủ cũng như tính nết, sự thật thà, biết điều của những người giúp việc…

Nghề khó tuyển dụng

Xã hội ngày càng phát triển, phải khẳng định, vai trò không nhỏ của nghề giúp việc cũng như sự đóng góp lớn của nghề này trong sự phát triển chung của xã hội, nhất là với guồng quay chóng mặt của cuộc sống thị thành.

Thống kê của Vụ Gia đình, Bộ VH - TTDL cho thấy, hiện có khoảng 60% người giúp việc trông coi trẻ em hàng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm các công việc nội trợ. Và giúp việc gia đình là một trong 32 nghề khó tuyển dụng nhất hiện nay. Do nhu cầu tại các đô thị tăng cao, chất lượng nguồn cung còn thấp dẫn đến nghề này thường xuyên rơi vào thiếu hụt lao động.

Giúp việc gia đình là một trong 32 nghề khó tuyển dụng nhất hiện nay.

Bà X nhà ngay trên khu phố cổ Hà Nội có ba cô con gái đều là “sếp” của các Cty lớn, gia đình giàu có nhưng chẳng con nào sống cùng với bà. Niềm vui tuổi già với bà là được sống một mình với hẳn… hai người giúp việc. Trong đó có một giúp việc ở lâu năm, quán xuyến còn hơn con cái. Bà ốm đau, thuốc men ăn uống thế nào, chỉ chị giúp việc là cho đúng kiểu. Tết này, bà trả chị thêm một tháng lương 3 triệu đồng, ngoài ra còn tặng thêm một chỉ vàng để chị ở lại một tuần tết và chấp nhận để chị đưa cả chồng và con, cháu đến ăn tết ở nhà bà luôn vì vợ chồng con cái bà giúp việc cũng làm việc ở HN. Bà tâm sự: mấy ngày tết, gia đình các con đến được nhà bà một lúc, vì các con có lịch đi du lịch cả. Thế là tết thay vì sum họp với con cháu nhà mình bà sum họp, quây quần với con cháu nhà giúp việc…

Osin ở lại tết như bà X cũng ngày một nhiều, nhưng cũng có giúp việc như chị Thanh, Tĩnh Gia – Thanh Hóa quan niệm: “Ngày tết quan trọng là được thắp 3 nến nhang trước bàn thờ tổ tiên, 3 triệu hay kể cả ba mươi triệu cũng không muốn ở lại”…

Mỗi người một quan niệm, một suy nghĩ, một hoàn cảnh, nhưng đã là kiếm tiền lành mạnh bằng mồ hôi, công sức thì cũng đều đáng trọng, dù là nghề giúp việc hay công việc gì. Chỉ có điều, để có được mối quan hệ lao động hài hòa, để cung cầu gặp nhau, không chỉ những người chủ, mà những người lao động cũng cần hiểu biết quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần những quy định pháp lý cụ thể đối với lao động giúp việc, nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề này hơn trong xã hội ngày càng phát triển hiện nay.

Lành mạnh hóa thị trường lao động giúp việc
 
Khi xem xét lương người giúp việc chúng ta mới chỉ nhìn trên phương diện thiển cận tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM chứ chưa có cái nhìn toàn diện. Trong khi đó, giữa họ với chủ sử dụng lao động hầu như không có điều khoản ràng buộc nào. Cho nên tôi cho rằng, người giúp việc phải được coi là một nghề chính đáng, mà đã là một nghề chính đáng thì phải coi họ là một lao động với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, được luật pháp bảo vệ. Tất nhiên, kèm theo đó chúng ta phải đồng bộ với vấn đề đào tạo, phải có một hệ thống đào tạo, cung cấp lao động giúp việc..
 
Việc đưa nghề giúp việc vào quản lý trong Bộ luật Lao động, trong đó việc ký hợp đồng giữa chủ sử dụng lao động và lao động là rất cần thiết để lành mạnh hóa thị trường này. Tất nhiên, ở nghề giúp việc sẽ khó thực hiện hơn các nghề khác, ở chỗ người ta vẫn chưa ý thức được nó là một nghề. Thế nhưng, với sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ cũng như các Bộ ngành trong việc đưa nó trở thành một nghề như bao nghề khác, người lao động có đóng bảo hiểm, có các chế độ lương hưu… như công chức nhà nước, hy vọng bộ phận không nhỏ người lao động sẽ ý thức được nghề nghiệp của mình, và mọi người cũng có cái nhìn nghiêm túc về nghề giúp việc.
 

Cần ràng buộc về pháp lý
 
Lao động giúp việc gia đình là loại hình công việc đặc biệt, dễ bị lạm dụng. Công nhân thì làm việc hết giờ là về, còn người giúp việc được chủ nhà giao toàn bộ nhà, ở trong nhà chủ cả ngày, cả đêm. Vì vậy, càng cần có sự ràng buộc về mặt pháp lý và người giúp việc gia đình phải thực sự chuyên nghiệp. Hai bên phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản, đồng thời người giúp việc gia đình cũng phải được đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động đối với người giúp việc, luật cũng đã điều chỉnh những người làm nghề giúp việc gia đình là người đi làm thường xuyên và hưởng lợi từ nghề này. Đồng thời, Bộ luật cũng cần quy định rõ về trách nhiệm của người giúp việc gia đình.
Còn thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động
 
Đối với các ngành nghề khác, khi tuyển dụng lao động, người lao động phải có hồ sơ cá nhân, trong đó có sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương, có giấy khám sức khỏe, có giấy tờ tùy thân cũng như những chứng chỉ cần thiết chứng minh trình độ nghề nghiệp... Nhưng với nghề này, những giấy tờ đó hầu như nhà chủ không yêu cầu. Chính sự ràng buộc lỏng lẻo, không ký kết hợp đồng, không có sự thỏa thuận quyền và nghĩa vụ của các bên nên dẫn đến tình trạng người giúp việc đôi khi bị chủ lạm dụng sức lao động, quỵt tiền, thậm chí còn xâm phạm thân thể… Và cũng không ít chủ nhà bị người giúp việc “bùng”, rồi trộm cắp tài sản, gây án… đến lúc cần tìm người giúp việc thì đã biệt tăm mà không biết tung tích quê quán ở đâu.
Chính sự ràng buộc lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa chủ gia đình và người giúp việc, cùng với sự thiếu đào tạo một cách chuyên nghiệp cũng như việc chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý người giúp việc… khiến cho thị trường lao động giúp việc luôn tiềm ẩn các nguy cơ. Do vậy, trong tương lai lao động giúp việc phải được đưa vào đối tượng điều chỉnh của pháp luật là một tất yếu.
(Mai Thanh)

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Lương osin của “đại gia”: Đủ xây nhà lầu
  • Chống tăng giá: Dậy sớm đi chợ đầu mối gom đồ
  • Thói quen tiêu dùng thay đổi theo túi tiền
  • 8/3: Chọn đồ rẻ độc thời tăng giá
  • Giá dịch vụ ăn uống “nhảy múa”
  • Quà tặng 8/3: Hàng bằng vàng ròng lên ngôi
  • Lẩu vỉa hè: Của rẻ là của... ôi?
  • Người tiêu dùng Hà Nội 'khoái' thông tin truyền miệng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
  • Giảm giá cực sốc hè 2013 tại Vincom Center Bà Triệu
  • Rầm rộ khuyến mãi 2/9
  • BigC giảm giá tới 50% hơn 1.300 sản phẩm
  • Thoả sức mua sắm với “crazy sale” tại Vincom Center
  • Hà Nội: Đăng ký Internet được dùng miễn phí MyTV và điện thoại cố định
  • Rầm rộ khuyến mãi "khủng" dịp 30/4
  • Vietnam Airlines bán giá siêu khuyến mại 3 ngày cuối tháng 4
  • Bay giữa TP.HCM, Vinh, Hải Phòng chỉ từ 650.000 đồng