Việc cạnh tranh giữa các mạng di động trong thời gian tới chủ yếu vẫn là cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. |
Việc các mạng di động lớn giảm 15% cước thoại từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8 các nhà mạng nhỏ xoay xở ra sao?
Đã sát giá vốn
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Vietnammobile khẳng định, giá cước thoại của các mạng hiện đã giảm về sát mức giá vốn của doanh nghiệp. Mức chênh lệch giá cước giữa các mạng không đáng kể nên sẽ không có chuyện thuê bao mạng này đổ xô sang mạng khác để tiết kiệm cước dịch vụ thoại.
Theo ông Hùng, với Vietnammobile, trước thời điểm Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành quyết định hạn chế khuyến mại, các đại lý đã kích hoạt một lượng sim khuyến mại rất lớn. Với sim khuyến mại, nếu tính giá cước cuối cùng, người tiêu dùng được hưởng lợi lớn hơn nhiều.
“Dù các mạng có giảm giá cước thêm 20% nữa hoặc có áp dụng chương trình tặng 100% giá trị thẻ cào cũng không thể rẻ bằng việc mua sim khuyến mại có giá 50 nghìn và có 160 nghìn trong tài khoản sau khi kích hoạt. Vì vậy hiện tại chưa ảnh hưởng đến việc phát triển thuê bao của tất cả các nhà mạng nói chung”- Ông Hùng nói.
Theo đánh giá của đại diện EVN Telecom, việc các mạng di động chiếm thị phần lớn giảm cước di động trả trước và trả sau chỉ có tác động đối với các mạng sử dụng công nghệ GSM khác. Còn nếu so với mức giá tại thời điểm hiện tại của EVN Telecom thì giá cước của Viettel, MobiFone hay VinaPhone sau khi đã giảm vẫn không phải là hấp dẫn.
Hiện cước trả sau gọi nội mạng cho gói Basic của Viettel là 890 đồng/phút trong khi của EVN Telecom chỉ có 750 đồng/phút. Cước gọi ngoại mạng của Viettel cũng cao hơn, 990 đồng/phút, so với mức 850 đồng/phút của mạng EVN Telecom. Mức cước gọi thông thường đối với thuê bao trả trước nội mạng là 1.130 đồng/phút và 1.350 đồng với ngoại mạng của EVN.
Đại diện EVN Telecom cũng cho biết, nếu so với hồi đầu năm 2010 khi các nhà mạng ồ ạt thực hiện các chương trình khuyến mại quy mô lớn, trong thực tế giá cước đến nay không hề giảm, thậm chí còn cao hơn. Vì vậy khó xảy ra chuyện các thuê bao của mạng nhỏ sẽ đổ xô sang mạng lớn để được hưởng mức giá thấp hơn.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo lãnh đạo Vietnammobile, về bản chất kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận nên khi mạng lớn hay nhỏ giảm cước cũng đều có sự ảnh hưởng đến doanh thu. Các mạng lớn cho rằng có thể bù lại phần giảm cước thoại bằng nguồn thu từ các dịch vụ nội dung, dịch vụ giá trị gia tăng nhưng thực tế khi 3G chính thức được cung cấp, nguồn thu chính của các mạng vẫn là cước thoại và SMS.
Xét khía cạnh khác, việc giảm cước của Viettel cũng như VinaPhone hay MobiFone chính là bước hoàn tất của việc chấm dứt khuyến mại dưới hình thức giảm giá. “Chúng tôi cũng đang theo dõi các tác động của thị trường vì số lượng sim khuyến mại còn tồn đọng trên thị trường quá nhiều. Trong khi các mạng lớn tập trung vào hạ giá, chúng tôi tập trung vào nâng cao chất lượng và cạnh tranh dịch vụ. Chúng tôi cam kết sẽ đưa ra những gói cước cạnh tranh nhất”- Ông Hùng cho biết.
Đại diện EVN Telecom cũng cho biết hiện Cty đang tập trung chú trọng phát triển các dịch vụ 3G và đảm bảo đưa ra giá cước cạnh tranh, chất lượng. Trong thời gian tới, các mạng chủ yếu vẫn phải tập trung vào việc tiết giảm chi phí, đưa ra các gói cước cạnh tranh với chất lượng dịch vụ tốt hơn để giữ chân khách hàng.
Trả lời câu hỏi, “Cuộc cạnh tranh giảm cước có dẫn tới việc “cá lớn nuốt cá bé” hay không? Đại diện Vietnammobile cho rằng khi cạnh tranh thị trường khốc liệt thì việc thôn tính lẫn nhau là đương nhiên. Tuy nhiên, hoạt động mua bán sáp nhập trong lĩnh vực di động tại Việt Nam xảy ra ở thời điểm nào chưa ai biết được. Còn tại thời điểm hiện nay thì chưa có gì đáng lo ngại, chưa phải thời điểm để bàn đến việc này”.
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)