Một chị bạn đồng nghiệp “hý hửng” khoe với tôi, chị đã có một “kênh” mua thực phẩm sạch, không chỉ rau quả, thịt cá mà cả đến muối vừng! Chỉ việc lên mạng và click chuột. Hàng hóa có trị giá 50.000 đồng trở lên được chuyển tới tận nhà (trong nội thành Hà Nội) miễn phí…
Nói là làm, chúng tôi hăm hở thử gọi điện đến số điện thoại được cung cấp trên trang web nọ. “Số điện thoại này không có”… Tò mò tìm hiểu ngọn nguồn, mới hay công việc kinh doanh thực phẩm sạch qua mạng không mấy phát đạt, công ty phải trả lại chỗ đang thuê và tìm địa điểm mới, “khi nào hoạt động trở lại sẽ thông báo sau”. Rõ ràng, nhu cầu thực phẩm an toàn ở một đô thị lớn, nơi người dân có mức thu nhập bình quân khá cao so với cả nước như Hà Nội là có và không nhỏ, nhưng để các công ty chuyên phân phối loại “thực phẩm hàng hiệu” này đứng được và phát triển cũng không phải chuyện đơn giản.
Thích được… kiểm tra
Đã 7 năm kinh doanh rau sạch của HTX Đạo Đức (xã Vân Nội, huyện Đông Anh) tại chợ Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), chị Lê Thị An cho biết, trong 4 năm đầu chỉ bán được rất ít. 3 năm gần đây, chị có thêm nhiều khách quen, trong đó có 5 - 7 trường mẫu giáo, tiểu học nên lượng hàng tiêu thụ khá ổn định, “nhưng cũng chỉ vầy vậy, không tăng đột biến”, chị nói. Mỗi ngày chị bán được khoảng 300 kg rau quả các loại, chủ yếu là cà chua, đậu quả, bí xanh, bí ngồi, dưa chuột, các loại rau thơm, rau dền, rau muống, cải ngọt… Vào mùa thì có thêm dưa bở, dưa lê. Điều đáng tiếc đối với chị là chưa thể đa dạng hóa các mặt hàng để đáp ứng mọi nhu cầu của khách.“Nhiều năm nay vẫn chỉ có bằng ấy mặt hàng. Đất đai chật hẹp, mà lượng tiêu thụ không tăng đáng kể nên HTX cũng không tha thiết mở rộng quy mô, trồng thêm giống mới”, chị An phân trần. Chia sẻ bí quyết giữ ổn định lượng tiêu thụ trong khi nhiều điểm kinh doanh rau sạch khác đã bỏ cuộc vì tiêu thụ chậm, chị An thực thà “khoe”, chị đã vài lần được… lên đài, báo.“Khi kiểm tra thấy đảm bảo yêu cầu, bán hàng đúng như cam kết thì họ đưa lên, có vậy thôi. Nhưng sau đó, tôi thấy số lượng khách của mình có tăng lên, nhất là có thêm những khách tiêu thụ lớn như các trường học. Tôi nghĩ nếu việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ hơn, sau kiểm tra có thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho người dân được biết thì họ sẽ tin tưởng, tìm đến rau sạch”.
Chế tài xử lý nghiêm khắc
Cũng có thâm niên kinh doanh rau sạch khoảng 10 năm nay tại chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hợi bực mình nhất là khi khách hàng cứ hồ nghi hỏi lại: “Rau này có thật sạch không bà”. Có người còn “đế” thêm: “Ngay cả trong các siêu thị cũng chả biết đâu mà lần. Siêu thị lớn có “yếu tố ngoại” như Metro, Big C cũng có nhan nhản thực phẩm hư hỏng, không đảm bảo chất lượng được bày bán kia kìa. Sau đó việc xử phạt thế nào có ai được biết đâu”.
Bà Hợi bảo, dù có “tứ chẩn” (nhìn, sờ, nếm, ngửi) đi nữa thì người tiêu dùng cũng khó lòng chọn được thực phẩm an toàn, cho nên việc kinh doanh thực phẩm sạch chỉ có thể lấy lòng tin làm đầu. Mà lòng tin chỉ có thể dựa trên gốc gác, xuất xứ của sản phẩm. “Tôi cũng chẳng thể tự đi kiểm định rau quả của người ta cung cấp cho mình, nhưng chỉ lấy hàng ở nơi được cấp chứng nhận. Còn việc chứng nhận ấy có đúng thực tế hay không thì phải hỏi cơ quan chức năng. Tôi chỉ mong người ta phạt thật nặng những cơ sở gian dối để làm gương, có thế thì những cơ sở kinh doanh hàng đảm bảo như chúng tôi mới làm ăn được. Không ai dễ dàng bỏ tiền gấp 2 - 3 lần để mua về cùng mớ rau ấy, loại quả ấy”.
Cần nói thêm rằng, việc sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn không phải quá khó. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều mặt hàng thực phẩm xuất khẩu với số lượng lớn, hoàn toàn đảm bảo những chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe nhất. Nếu các kênh phân phối đồng lòng áp dụng việc lựa chọn mặt hàng có đảm bảo, người tiêu dùng đừng tặc lưỡi vì ham rẻ thì chắc chắn nhà sản xuất cũng không thể làm bừa.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các quy định của pháp luật Việt Nam đối với thực phẩm hiện nay không phân biệt thực phẩm nhập khẩu hay tiêu dùng nội địa, mà tất cả thực phẩm trên thị trường đều phải tuân theo hệ thống tiêu chuẩn chung. Những sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe hiện nay đều phải coi là sản phẩm gian lận, vi phạm pháp luật. Hy vọng nguyên tắc này được quán triệt, các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý nhiều hơn, nghiêm túc và có ý nghĩa răn đe hơn.
(Theo Việt Nguyên // Báo Doanh nhân)