Ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương, cho biết việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng diễn ra rộng, ở nhiều cấp độ và ngày càng phát triển hơn.
Trong khi đó, các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành đã lâu nhưng hạn chế do chưa xác định được vị thế của người tiêu dùng.
Cùng phát biểu tại buổi tọa đàm Kỷ niệm ngày quyền của người tiêu dùng quốc tế, tổ chức ngày 16/3, tại Hà Nội, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) chung nhận định: "Người tiêu dùng là đối tượng chịu nhiều thua thiệt nhất".
Theo Vinastas, không phải người tiêu dùng nào cũng ý thức được quyền lợi của mình. Một kết quả điều tra năm 2008 do Vinastas thực hiện với trên 1.000 người được phỏng vấn ở 10 tỉnh cho thấy: 41% người tiêu dùng không biết mình có những quyền gì, trong khi trên 50% người tiêu dùng không biết mình có trách nhiệm gì.
Việc thiếu hiểu biết về quyền và trách nhiệm của mình khiến người tiêu dùng không có khả năng bảo vệ quyền lợi của mình. "Từ trước đến nay, người tiêu dùng rất hiếm khi thực hiện quyền khiếu kiện bởi nhiều lý do. Thứ nhất, họ không có thói quen đi khởi kiện. Thứ hai, trình tự, thủ tục cứng rất rắc rối. Và thứ ba, người tiêu dùng không có khả năng tài chính để hầu kiện. Ở nước ngoài, nếu như người tiêu dùng khởi kiện, nhà sản xuất phải có trách nhiệm chịu những chi phí đứng ra chứng minh sự việc. Đằng này, ở Việt Nam, người tiêu dùng (nếu khởi kiện) phải tự mình chứng minh khả năng thiệt hại. Rõ ràng người tiêu dùng hoàn toàn bất lợi và rất ít khả năng thắng kiện", ông Thắng nêu ý kiến.
Một trong những lý do đẩy người tiêu dùng vào thế yếu như trên là do hệ thống pháp luật, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Việt Nam thời gian qua còn lỏng lẻo và thiếu tính răn đe. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, năm 1999 Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng phải đợi đến 9 năm sau, ngày 24/4/2008, Nghị định quy định chi tiết thi hành pháp lệnh mới ra đời.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 55 vẫn còn đang được “mổ xẻ” giữa hai luồng ý kiến: nên hay không nên ban hành, bởi dự kiến năm 2010 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ ra đời. Và như vậy, người tiêu dùng lại tiếp tục phải chờ đợi để được pháp luật bảo vệ tốt hơn.
Hiện có rất nhiều hợp đồng viết sẵn của các doanh nghiệp như điện, nước, thậm chí khi mua chung cư, mua xe máy, mua trả góp... mà các nhà cung cấp đã cài các điều khoản hoàn toàn bất lợi cho người tiêu dùng. Trong trường hợp các doanh nghiệp tự thảo hợp đồng theo mẫu của mình để “ép” người sử dụng dịch vụ phải tuân theo những điều kiện của họ thì quyền lợi của người tiêu dùng rất dễ bị xâm phạm. Chính vì vậy, ông Hồ Tất Thắng đề nghị phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo vệ người tiêu dùng sang cả lĩnh vực dịch vụ, hành chính công vì đó cũng là tiêu dùng dịch vụ.
Mặt khác, hiện vẫn còn tồn tại những bất cập trong quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Các quy định của pháp luật vẫn chưa rõ ràng dẫn đến thực tế là hầu hết các khiếu nại của người tiêu dùng đều không được giải quyết thoả đáng, thậm chí nhiều tổ chức, cá nhân không thực hiện việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng./.
(Theo Vietnam+)