Trong bối cảnh người tiêu dùng (NTD) thường xuyên bị các nhà sản xuất, phân phối vi phạm quyền lợi, ngày 16-3, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã tổ chức tọa đàm về thực trạng này, tìm giải pháp bảo vệ NTD nhân kỷ niệm ngày Quyền của NTD quốc tế (15-3).
Muôn dạng vi phạm
Theo kết quả một cuộc điều tra mới đây, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.512 cơ sở kinh doanh ga, xăng dầu và đã phát hiện 255 cơ sở có vi phạm về đo lường, chất lượng, ảnh hưởng lớn đến lợi ích chính đáng của NTD. Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) thông báo, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước có hơn 2.800 đoàn thanh tra đi kiểm tra hơn 59 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và đã phát hiện hơn 16% trong tổng số này có vi phạm quy định của Nhà nước. Cơ quan chức năng buộc đóng cửa 48 cơ sở vi phạm, tiêu hủy sản phẩm của gần 1 ngàn đơn vị khác. Ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhận xét, NTD thường xuyên bị xâm phạm quyền lợi trên nhiều lĩnh vực với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có cả vi phạm ở những địa điểm được xem là an toàn như siêu thị. Đáng lưu ý, những vi phạm về mẫu mã, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái chưa có dấu hiệu giảm.
Các vi phạm cụ thể gồm: sử dụng phương tiện đong đếm không bảo đảm tiêu chuẩn, cố tình lắp đặt thêm những chi tiết để làm sai lệch kết quả, cố tình bán những mặt hàng không đạt phẩm cấp như công bố, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Vi phạm xảy ra trên hầu khắp các địa phương, nhất là tại các đô thị, nơi có sức mua cao và ổn định. Chưa có số liệu chính xác nào về tổn thất về vật chất, nhưng những thiệt hại về sức khỏe, thậm chí đe dọa về tính mạng của NTD thì đã rõ. Người ta chưa thể quên những vụ việc đáng sợ như sữa nhiễm độc, nước mắm có phân đạm, rượu uống vào "chết ngay", hóa mỹ phẩm "lột da" mặt siêu tốc, dược phẩm giả... liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây. Hàng loạt vụ ngộ độc thức ăn diễn ra cả ở nhà ăn tập thể lẫn đám cưới mà nguyên nhân sâu xa là đồ ăn, thức uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Danh sách nạn nhân dần dài hơn. Đương nhiên, các vi phạm cũng còn là lực cản cho quá trình hội nhập, làm mất uy tín của thị trường Việt Nam trong mắt đối tác quốc tế.
Cần lập tổ chuyên trách kiểm hóa nội bộ
Thực tế trên đòi hỏi sự vào cuộc của cơ quan chức năng và những giải pháp phù hợp. Ông Lê Doãn Diên, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam nhấn mạnh, trong nền văn minh thương mại, bất kỳ loại hàng hóa nào khi đưa ra thị trường cần được xác định rõ về xuất xứ, ghi rõ hàm lượng, chất lượng và chỉ dẫn rõ ràng. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc để từ đó cơ quan chức năng biết và truy cứu trách nhiệm khi có sự cố, tổn thất đối với NTD. Ông khuyến nghị, mỗi bếp ăn, cửa hàng đều cần có bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm hóa nội bộ để chủ động phòng tránh sự cố xảy ra.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, xét về lý thuyết, NTD luôn là đối tượng được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên kết quả của việc này còn thấp xa so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ quan do lực lượng chức năng mỏng, thiếu chế tài đủ mạnh để có thể xử lý kẻ vi phạm. Đặc biệt, hiện lực lượng chuyên trách trực tiếp giải quyết các vụ việc còn rất thiếu về quân số và chưa đạt yêu cầu về nghiệp vụ, nhất là chưa đạt trình độ chuyên nghiệp. Trang thiết bị còn sơ sài và thiếu. Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD cũng như Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam chưa phát huy hết chức năng nhiệm vụ, chủ yếu mới dừng ở việc hòa giải, thương lượng giữa các bên liên quan. Bên cạnh đó, dư luận lại chưa tạo ra làn sóng đủ mạnh để lên án, góp phần triệt tiêu vi phạm. Đáng chú ý là một bộ phận không nhỏ NTD vẫn tỏ ra thờ ơ, ngại va chạm, khi mua hàng nhiều khi không lấy hóa đơn, vô tình tiếp tay cho kẻ xấu... Trong khi đó, đáng lẽ NTD phải có cách ứng xử ngược lại, với thái độ quyết tâm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Các chuyên gia đều nhất trí rằng, hơn bao giờ hết, bản thân mỗi NTD cần nhận thức rõ quyền của mình, thu thập thông tin và nâng cao kiến thức để thật sự trở thành NTD thông thái.
Theo các chuyên gia, cần áp dụng đồng thời những giải pháp nâng cao ý thức của người sản xuất-chế biến và tiêu thụ hàng hóa; tuyên truyền sự cần thiết chấp hành quy định của Nhà nước và khuyến khích sự phát hiện, đấu tranh với các vi phạm trên diện rộng; áp dụng chế tài xử lý đủ mạnh; nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm của cơ quan chức năng cũng như tăng tính sẵn sàng vào cuộc điều tra, xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật…
Được biết, Bộ Công Thương hiện đang khẩn trương soạn thảo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để trình Chính phủ trong thời gian tới. Hy vọng, đây sẽ là "chiếc gậy" pháp lý đủ sức răn đe những kẻ gian dối, thiếu trách nhiệm trong sản xuất, lưu thông hàng hóa của thời văn minh thương mại đang được khẳng định khắp toàn cầu.
( Theo HNMO)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |