Chiêu mua hàng có tặng quà xem ra vẫn còn… hiệu lực, ít nhất với người tiêu dùng chưa có nhiều kinh nghiệm mua sắm tại các siêu thị. Có những món quà, dù gọi là hàng tặng nhưng suy xét kỹ, chúng đã bị tính tiền vào gói hàng.
Từ nước ngọt, dầu gội đầu…
![]() |
Mua máy nghe nhạc được tặng tai nghe. Ảnh chỉ mang |
Những tờ rơi, quảng cáo, thông tin mua sắm phát khắp các ngả đường, thậm chí còn được gửi tới tận nhà với nội dung: mua hàng sẽ có cơ hội nhận được quà tặng kèm theo. Chẳng hạn, siêu thị S., vừa khai trương cách đây vài hôm có chương trình bán hàng: tặng kèm 1 lon nước ngọt cho khách mua sáu chai nước giải khát thể thao với giá 4.900đ/chai. Thử đối chiếu, loại nước giải khát thể thao này bán ở các cửa hàng chỉ 4.500đ/chai. Như vậy tính ra, gọi là tặng kèm nhưng lon nước ngọt “quà tặng” này có giá 2.400đ (6x400đ)!
Tình trạng quà tặng được cộng giá vào để bán khá phổ biến trong nhóm hàng hoá mỹ phẩm. Chai dầu gội hiệu L., cùng dung tích mua ở bất kỳ tiệm tạp hoá nào chỉ có 42.000đ, nhưng mua trong siêu thị được tặng kèm chai nước rửa tay lại có giá… 55.000đ. Nếu tính giá bán lẻ, chai nước rửa tay là 14.500đ trên quầy gần đó thì sau một hồi tính toán, người tiêu dùng chỉ tiết kiệm được 1.500đ. Thoáng qua là vậy nhưng người tiêu dùng đâu có thể biết rằng, cách kinh doanh bán hàng tặng quà có lợi cho nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Nhà sản xuất bán được hàng, còn nhà bán lẻ cũng bán cùng lúc hai món hàng. Nếu tính đúng phần chiết khấu cả hai món hàng trên là 15%, chỉ có người tiêu dùng bị ép mua hai sản phẩm với đúng giá bán lẻ mà cứ ngỡ là được rẻ. Giá chai nước rửa tay này ở chợ sỉ chỉ có 12.000đ/chai. Trên thực tế, nhà kinh doanh chẳng khuyến mãi gì cho khách, mà chỉ đang tìm cách tiêu thụ cho hết hàng bằng cách cộng giá các sản phẩm lại rồi “liên kết” chúng với nhau đem bán. Chi phí ở đây chính là phần băng keo dán lon nước ngọt vào lốc sáu chai nước giải khát hoặc chai nước rửa tay vào chai dầu gội đầu.
Đến máy giặt, máy quay phim
Khi đến siêu thị điện máy T., trên đường CMT8 (TP.HCM), chiếc máy giặt nhãn hiệu Panasonic NA-F62B1 được rao với giá 3,27 triệu đồng, tặng kèm chiếc bàn ủi điện hiệu Fujiyama SW 3088A (giá bán lẻ tại siêu thị này là 790.000đ). Trong khi đó, giá chiếc máy giặt tại một siêu thị khác gần đó là 2,99 triệu đồng (không có quà tặng kèm). Trên thực tế, chiếc bàn ủi đó không quá 200.000đ, nếu so với những chiếc bàn ủi khác về tính năng. Cũng tại siêu thị này, chiếc máy ảnh số Canon IXUS 85IS có giá 4,99 triệu đồng, kèm theo quà tặng là chiếc thẻ SD dung lượng 2GB và bao da, nhưng tại một cửa hàng chuyên bán máy ảnh số gần đó, cũng với model này, cùng bảo hành chính hãng mà giá rẻ hơn một triệu đồng, kèm theo thẻ SD dung lượng lên đến 4GB. Một chiếc máy quay hiệu JVC-MG555US có giá 17,49 triệu đồng được tặng kèm một chiếc điện thoại di động Samsung E250 (giá thị trường là 1,9 triệu đồng), trong khi cũng mẫu đó tại một siêu thị gần đó chỉ là 13,99 triệu đồng. Nếu mua từng món riêng lẻ (cùng là hàng mới, chính hãng), người tiêu dùng tiết kiệm được 1,6 triệu đồng.
Hãy cân nhắc
Bà T. (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết, vì không có thời gian để khảo giá nên vào siêu thị mua sắm, thấy được là mua, không thể tính toán thiệt hay lợi. Vì lẽ đó mà hiện nay bà đang “sở hữu” hai lò nướng thuỷ tinh và ba lẩu điện là những món quà tặng kèm khi mua hàng điện máy. Bà T. cho biết: không quan tâm đến quà tặng nhưng vì phía bán không chấp nhận khấu trừ hay đổi những món hàng khác cần thiết nên cứ mang về nhà, không biết bao giờ sẽ dùng đến. Một chủ khách sạn ở quận 1, TP.HCM đã từng to tiếng với nhân viên bán hàng tại một siêu thị về việc muốn mua ti vi 21 inch phẳng phải mua kèm quạt sạc với giá trọn gói gần 2 triệu đồng. Ông chủ này bực bội: “Vậy mà họ bảo là chương trình khuyến mãi. Chiếc đèn sạc đó giá chưa tới 300.000đ”. Nhưng ông chủ này, sau vài phút chạy xe là đã mua được 25 chiếc ti vi 21 inch phẳng, cũng cùng thương hiệu đó với giá chỉ 1,3 triệu đồng/chiếc. Khách hàng này nói rằng, đừng thấy quà tặng mà ham vì đã bị tính tiền cả rồi.
(Theo báo Sài Gòn tiếp thị)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |