Tính đến chiều ngày 28.9.2010, giá vàng trong nước mua vào và bán ra chỉ còn 30,55 – 30,6 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa đầu giờ sáng, và giảm đến gần 300.000 đồng/lượng so với đỉnh vào chiều 27.9. Giá vàng trong nước giảm cùng chiều với giá vàng thế giới, từ mức 1.292 USD/ounce vào buổi sáng, đến chiều giá vàng thế giới chỉ còn 1.285 USD/ounce.
Dù vậy, theo tính toán của các công ty kinh doanh vàng, giá trong nước hiện vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 350.000 đồng/lượng (chưa tính thuế và phí).
Khan hiếm nhất thời
Đỉnh cao nhất của giá vàng trong nước được lập ở vào khoảng 15 giờ chiều ngày 27.9 với mức giá bán ra lên đến 30,87 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý là khi giá vàng lên cao, người dân mua vàng nhiều. Cụ thể trong ngày 27.9, công ty PNJ đã bán ra hơn 3.000 lượng, trung tâm kinh doanh vàng SJC ở Q.1 bán ra 2.500 lượng, gấp 2 – 3 lần so với cuối tuần trước.
Giá giảm, thị trường trầm lắng trở lại. Cụ thể trong ngày 28.9, công ty PNJ mua vào khoảng 620 lượng, bán ra khoảng 300 lượng, chỉ bằng 25% so với trước đó một ngày. Công ty SJC bán ra cũng chỉ được khoảng 1.500 lượng, bằng 50% hôm trước.
Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc công ty vàng bạc Sacombank, trái ngược hẳn với hai ngày giao dịch vàng đột biến gần đây, trước đó giao dịch khá trầm lắng. “Nhiều người thấy vàng lên thì họ lo đi mua. Do thị trường đang khan hiếm vàng, lực mua lớn hơn một chút thì giá lên”, bà nói.
Còn Th.S Trần Trọng Quốc Khanh, giám đốc trung tâm vàng bạc đá quý ngân hàng ACB cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập sáu tấn vàng trong tháng 2, không phải đáp ứng cung cầu thị trường mà để bình ổn thị trường vàng trong nước, trong khi tám tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 69 tấn vàng. Vì vậy, ông Khanh cho rằng, thị trường không phải khan hiếm vàng mà trong một khoảng thời gian mất cân đối giữa cung và cầu, lượng cung vàng đột nhiên “gặp hạn”, giá tăng.
Vì sao mua vàng lúc giá cao?
Ngoài ra, ông Khanh cũng cho rằng, người có tiền, khi những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, kinh doanh làm ăn không sinh lợi như kỳ vọng, thì họ phải tăng giữ tài sản nào bảo tồn giá trị và có xu hướng tăng giá nhất. Từ năm 2000 đến nay giá vàng liên tục tăng, nếu bán vàng ra mua lại thì phải chịu giá cao hơn. Chỉ người nào có việc mới phải bán vàng.
Diễn biến tâm lý người dân trong nước cũng giống như trên thế giới, khi có mối lo ngại về lạm phát, đồng tiền mất giá. Theo ông Khanh, thế giới đổ xô trữ vàng vì họ bị xói mòn lòng tin vào đồng USD đang yếu đi. Đó là xu hướng của thị trường.
Bà Trần Ngọc Minh Thư, trưởng phòng kinh doanh vàng SJC cho rằng: “Khi giá lên cao, tâm lý của những người đang có nhu cầu mua vàng để trả nợ, để làm của đạt đến ngưỡng sốt ruột không thể chờ được nữa. Họ e sợ giá lên cao nữa”.
Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty PNJ, tìm hiểu qua khách mua vàng trong năm ngày trở lại đây, bà nhận xét rằng, những người đang giữ tiền đồng bất an trong bối cảnh giá cả hàng hoá, vàng, đôla tăng nên đã chọn mua vàng như một cách để bảo toàn vốn.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, phó chủ tịch hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các ngân hàng gần đây tăng lãi suất huy động vàng, tức là họ có cho vay được. Những người đã vay vàng trước đó, thấy giá lên cao, sợ rủi ro lớn nên đi mua vàng tại thời điểm này để dành trả nợ vàng vay.
Tại tiệm bán vàng miếng SJC ở chợ Thiếc, Q.11, bà Nguyễn Thị Thu, một khách mua bốn lượng vàng với mức giá 30,75 triệu đồng/lượng vào chiều ngày 27.9 đã cho biết: Vàng lên giá liên tục, giữ tiền thì không biết từ nay đến tết lỗ mất mấy chỉ, nên mua vàng cho chắc.
( Theo HỒNG SƯƠNG – BÍCH NGA // Báo SG Tiếp Thị Online )