Giá hầu hết mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, các bà nội trợ ngày càng khó tính toán chi tiêu trong bữa cơm gia đình, thậm chí phải cắt giảm khẩu phần ăn…
Những ngày gần đây, khách đến cửa hàng Vissan trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 khá bất ngờ với mức giá cánh gà đóng gói của công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ lên đến 101.500 đồng/kg. Nhân viên đứng quầy giải thích: “Giá này mới điều chỉnh từ hôm 25.9. Thịt gà ta cũng tăng lên 93.000 đồng/kg, gà thả vườn 52.000 đồng/kg, còn đùi tỏi là 59.000 đồng/kg”.
Đã tăng và sẽ tăng
Từ giữa tháng 7 đến nay, mặt hàng thịt gia cầm có sức tăng “khủng” nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống. Sau hơn hai tháng “đua” giá, đến ngày 20.9, thị trường ghi nhận mặt hàng này có loại tăng gấp đôi, như thịt gà tam hoàng, cánh, đùi. Đầu tháng 7, một ký thịt gà tam hoàng khoảng 40.000 đồng, đến cuối tháng 9 tăng lên 75.000 – 80.000 đồng; cánh từ 50.000 – 55.000 đồng lên hơn 100.000 đồng/kg…
Do siết chặt thủ tục nhập khẩu, thịt gà nhập khẩu cũng tăng 5.000 đồng lên 27.000 – 28.000 đồng/kg.
Theo khảo sát, giá heo hơi xuất bán của các hộ tại khu vực phía Bắc tuần qua tiếp tục tăng, dao động trong khoảng 33.000 – 35.000 đồng/kg (trung bình tăng 2.000 đồng/kg). Trong khi đó, thị trường phía Nam sau thời gian dài tụt giảm cũng bắt đầu hồi phục, khi giá tăng 5.000 – 6.000 đồng, lên mức 31.000 – 33.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Minh Nguyệt, chuyên gia công ty cổ phần Phân tích và dự báo thị trường (Agromonitor) nhận định, từ nay đến cuối năm, thị trường thực phẩm sẽ tiếp tục có biến động theo hướng khan hiếm nguồn cung cục bộ ở một số mặt hàng thiết yếu, tác động dây chuyền lên giá nhiều mặt hàng khác. Để có một lứa heo xuất chuồng, theo tính toán, cần thời gian ít nhất 3,5 – 4 tháng. Trong trường hợp người chăn nuôi gầy dựng ngay đàn heo khi dịch bệnh được kiểm soát (nếu trong tháng 9), thì ít nhất cũng phải đến tháng 1.2011 mới có nguồn heo cung cấp. Như vậy, từ nay đến thời điểm trước tết Nguyên đán, bà Nguyễn Minh Nguyệt nhận định, thị trường thịt heo trên cả nước sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Kết quả điều tra người tiêu dùng TP.HCM do báo SGTT thực hiện, với mức thu nhập từ khoảng 3,5 – 4 triệu đồng/hộ gia đình trở lên, chi phí trung bình cho thực phẩm chiếm 34,3% tổng thu nhập. Chi phí cho ăn uống chiếm tỷ lệ cao như trên tương đương như tỷ lệ của quốc gia nghèo có chất lượng cuộc sống thấp, chế độ dinh dưỡng đang thiếu trầm trọng. Việc tập trung cho chi phí ăn uống, khiến người tiêu dùng có mức thu nhập ổn định không còn tiền dự trữ cho các hoạt động khác để nâng cao chất lượng cuộc sống. |
Chi phí đầu vào chăn nuôi tăng dự báo cũng sẽ là một trong những yếu tố gây áp lực lên giá thực phẩm thời gian tới. Theo dự báo của nhiều nguồn tin, từ đầu tháng 10 tới, thức ăn chăn nuôi do tác động của việc giá nhập khẩu tăng và tỷ giá nên sẽ tiếp tục tăng 160 – 200 đồng/kg sau khi đã tăng liền hai đợt, trung bình 300 – 400 đồng/kg trong tháng 9.
Chỉ có cách cắt khẩu phần
“Đâu chỉ có thịt gà, từ rau củ, con cá lóc, cá điêu hồng, cá biển, cua, ốc, ếch… thứ gì cũng tăng 30 – 40%”, chị Hoàng, công nhân công ty Place, quận 7 tâm sự. Chị Hoàng nói rằng, nhiều hôm đi chợ chỉ có 50.000 đồng trong tay, không biết phải mua thứ gì cho vừa ngày ăn. Chồng làm bảo vệ, còn chị làm công nhân may, lương gói gọn 4 triệu đồng. Riêng tiền học đứa con lớp sáu ngốn hết 1,2 triệu/ tháng, còn 2,8 triệu “gánh” tất cả chi phí trong tháng. “Tôi hay canh chợ buổi trưa hoặc chập choạng tối, lúc đó mớ rau, khóm cá tuy không còn tươi, xanh nhưng giá thường giảm vài ba ngàn nên cũng tiết kiệm thêm được ít nhiều phòng khi con ốm đau”, chị Hoàng tâm sự.
Còn theo tính toán của một số cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, chỉ sau hơn hai tháng, giá thực phẩm đầu vào tăng thêm khoảng 30%, trong khi suất ăn công nghiệp vẫn giữ cố định 9.000 – 10.000 đồng/suất nên các cơ sở buộc phải cắt giảm bớt khẩu phần ăn. “Tăng giá thì khách hàng không chấp nhận nên chúng tôi buộc phải tính lại tỷ lệ nguyên liệu đầu vào. Trước đây, một hợp cơm có ba đến bốn miếng thịt gà nhập khẩu, thì nay sớt đi một miếng và cũng không dám chặt to nữa”, đại diện một cơ sở thừa nhận.
Bà Nguyễn Thị Lưu, chủ cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp Lưu Hoàng Phong, Thủ Đức than: “Chúng tôi kinh doanh suất ăn công nghiệp, thường chọn loại thực phẩm nào có giá cạnh tranh nhất – như gà nhập, nhưng bây giờ thì chẳng còn thứ gì rẻ nữa”.
( Theo HOÀNG BẢY – BÍCH THUỶ // Báo SG Tiếp Thị Online )