Kết quả kiểm tra tại TPHCM cho thấy, một số loại sữa bán ra có giá thành đắt hơn từ 220 - 245 phần trăm so với giá vốn.
Giá sữa ngoại đang được bán cao rất nhiều lần so với giá vốn (ảnh chụp tại thị trường Hà Nội) Ảnh: Hồng Vĩnh |
Đoàn kiểm tra liên ngành về giá sữa của TPHCM do Sở Tài chính chủ trì vừa hoàn tất đợt kiểm tra một số công ty sản xuất, kinh doanh sữa tại đây.
Phần kết luận cho hay, giá nguyên liệu sữa nhập khẩu giảm so với năm 2008 từ 13,8 đến 36,7 phần trăm nhưng giá bán các loại sữa thành phẩm vẫn cao.
Từ ngày 15/4 đến 2/6, Sở Tài chính, Sở Y tế, Cục Thuế, Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM, tập trung kiểm tra một đơn vị kinh doanh sữa nguyên liệu, 5 đơn vị kinh doanh sữa thành phẩm (Cty XNK sữa Bình Minh, Cty TNHH Thông Thịnh, Cty TNHH TM-DV Hoa Tím, Cty TNHH Phân phối Tiên Tiến; Cty Cổ phần Sữa Quốc tế) và một Cty nhập khẩu sữa thành phẩm (Mead Johnson) nhà nhập khẩu sữa hộp Enfa A+ các loại.
Việc kiểm tra được tiến hành trên các nội dung: chi phí đầu vào, đơn giá mua, xác định giá bán sản phẩm; kết quả kinh doanh (gồm tổng giá vốn sản phẩm tiêu thụ, tổng giá vốn bán hàng, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp).
Theo kê khai của các đơn vị, giá vốn bán hàng chiếm từ 75 phần trăm đến 82 phần trăm giá thành. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra có một số khác biệt, thậm chí, một số loại sữa có giá bán cho người tiêu dùng đắt từ 220 đến 245 phần trăm so với giá vốn.
Cụ thể, Cty Mead Johnson nhập khẩu sữa hộp Enfa A+ các loại (chủ yếu nhập khẩu từ Cty Bristol Myers Squibb Thái Lan) và giao cho Cty Tiên Tiến phân phối chính thức tại Việt Nam.
Qua kiểm tra giá sữa hiệu Mead Johnson đề nghị bán một số sản phẩm cho người tiêu dùng khoảng 220 phần trăm - 250 phần trăm so với giá vốn.
Cụ thể, với mặt hàng Enfa Grow A+ loại 900 g, giá vốn chỉ khoảng 113.000 đồng nhưng giá Mead Johnson bán ra cho Cty Phân phối Tiên Tiến là khoảng 200.000 đồng và Mead Johnson đề nghị bán cho người tiêu dùng với giá 277.000 đồng, bằng 245 phần trăm so với giá vốn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá bán sản phẩm sữa Enfa cho người tiêu dùng lên quá cao.
Cùng đó, kiểm tra chi phí cũng thấy trong quý IV năm 2008, chi phí quảng cáo, khuyến mãi tại Cty Mead Johnson chiếm trên 56 phần trăm trong tổng chi phí, chiếm đến trên 53,5 tỷ đồng. Trong quý I năm 2009, chi phí quảng cáo, khuyến mãi chiếm khoảng 33 phần trăm, gần 29 tỷ đồng.
Còn tại Cty TNHH Thông Thịnh (kinh doanh sữa Dumex các loại), đơn vị kinh doanh 42 mặt hàng sữa thì có sáu mặt hàng tăng giá khoảng 7,5 phần trăm do thay đổi mẫu mã.
Với việc nhập hàng từ Cty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Nam (VNC) và bán theo giá bán do VNC quy định, Cty TNHH Thông Thịnh được hưởng chiết khấu 12 phần trăm/doanh thu.
(Theo K.Huyền // Tienphong Online)